Dù là chuyện không mới, nhưng năm nào đến đầu hè, tai nạn đuối nước trẻ em lại liên tục xảy ra, khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà cả cộng đồng không khỏi đau đớn, xót xa.
Liên tiếp tai nạn đau lòng
Mới vào đầu hè 2015, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước của học sinh, trong đó có những tai nạn rất thương tâm. Chiều 28/5, người dân thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (Bình Phước) bàng hoàng khi chứng kiến 4 trẻ em trong thôn (trong đó có 2 chị em ruột) bị tử vong do đuối nước tại hồ thủy lợi Đắk Liên. Theo gia đình các nạn nhân, khoảng 11 giờ ngày 28/5, trong khi đi rẫy, vì trời quá nóng và oi bức, các em đã rủ nhau xuống hồ để tắm. Các em đã bị trượt chân ngã và ngạt nước do không biết bơi, lại gặp chỗ nước sâu.
Trẻ em An Giang đang chơi đùa ở kênh rạch (Ninh Giang). |
Trước đó, chiều 19/5, người dân tại tổ 13, khu phố Tân Ngọc (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện 4 học sinh chết bên rạch Suối Sao gồm các cháu Huỳnh Anh Đ (10 tuổi), Võ Thị Bé Tr (8 tuổi), Huỳnh Tiểu V (14 tuổi), Vũ Nguyễn Hồng  (10 tuổi, đều ngụ tại khu phố Tân Ngọc.
Một vụ đuối nước thương tâm khác tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) xảy ra khi 3 học sinh bị sóng biển cuốn mất tích vào chiều tối ngày 16/5. Các nạn nhân là Bùi Quang T, Vũ Văn H và Vũ Văn Đ, đều sinh năm 2004 và trú tại xã Quỳnh Thuận.
Theo Sở LĐTBXH Nghệ An, thời gian qua, tình trạng đuối nước trên địa bàn tỉnh xảy ra khá thường xuyên. Trong 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 17 trẻ em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, nên trẻ nhỏ thường rủ nhau đi tắm ở các sông, các bãi biển. Đây không chỉ là nỗi đau thương, mất mát của các gia đình có trẻ em bị tử vong, mà còn là nỗi lo lắng, bức xúc của toàn xã hội.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù Bộ đã tích cực vào cuộc trong phòng chống đuối nước ở trẻ em, song do thiếu bể bơi và địa điểm tổ chức dạy bơi nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt ở các các vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, thì công tác phòng chống đuối nước và dạy bơi mới chỉ dừng lại việc tuyên truyền.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), số trẻ em bị tai nạn thương tích năm 2014 hơn 71.000 em và số trẻ bị tử vong là hơn 1.200 em. Tuy nhiên đây là số liệu báo cáo từ các cơ sở y tế. Còn theo khảo sát từ cơ sở, tính bình quân mỗi ngày Việt Nam có 9 trẻ em bị đuối nước. Do đó, phòng chống đuối nước là chương trình trọng tâm trọng mùa hè của các cấp, các ngành.
“Một trong những giải pháp được các ngành chức năng và địa phương triển khai từ năm 2011 đến nay là dạy bơi cho trẻ em và được triển khai tại một số tỉnh. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ em chưa được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương. Hiện mới chỉ có 35% trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long biết bơi và chỉ có 10% trẻ em khu vực đồng bằng sông Hồng biết bơi. Tỷ lệ này càng thấp hơn nữa với vùng miền núi”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Với trẻ em thành phố, tỷ lệ biết bơi ngày càng thấp so với trẻ em nông thôn. Chính vì vậy, Hội Đồng đội thành phố Hà Nội đã tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí mùa hè. “Dù vậy, các lớp dạy bơi miễn phí còn ít. Trong khi tỷ lệ các trường có bể bơi cũng rất ít. Điều này đã gây khó khăn đối với việc phòng chống đuối nước”, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết.
Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em trong mùa hè, cần lấy phương châm “phòng là chính”, khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, ao, hồ, kênh, rạch, tắm biển, cha mẹ phải luôn theo dõi, để ý con cái. Bên cạnh giám sát, cha mẹ cần dạy cho con kỹ năng biết bơi và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi bị đuối nước... Nhà trường, cộng đồng, chính quyền địa phương cần quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền theo nhóm, nói chuyện chuyên đề; tổ chức nhiều lớp dạy bơi và vận động trẻ em tham gia học bơi tại các trường học.