Bác sỹ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện sản nhi Nghệ An cho biết: Đến ngày 22/4 số lượng bệnh nhân mắc sởi đã giảm hơn nhiều so với những ngày trước đó, hiện bệnh viên đang điều trị cho 39 bệnh nhân mắc sởi, trong đó có 6 ca nặng phải thở bằng máy. Bác sỹ Cương cũng khẳng định dịch sởi đang bước vào giai đoạn cuối mùa nên số lượng người mắc sởi sẽ giảm nhưng số ca nặng do biến chứng từ sởi sẽ tăng lên. Vì vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo cho Khoa hồi sức tích cực để kịp thời ứng phó với những trường hợp sởi biến chứng ở mức độ nặng có khả năng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.Theo số liệu thống kê của Bệnh viện sản nhi Nghệ An, từ đầu năm 2014 đến nay, tại Nghệ An đã có 165 bệnh nhi mắc dịch sởi, đã có 3 trẻ từ vong liên quan tới dịch sởi.
Bác sỹ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thăm khám, điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN. |
Thời gian qua, Bệnh viện sản nhi Nghệ An đã thường xuyên theo dõi tình hình dịch sởi và có các phương án khống chế dịch. Bệnh viện đã tiến hành cách ly hoàn toàn các bệnh nhân mắc sởi ra điều trị tại Khoa truyền nhiễm, những bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền khác như: thủy đậu, phát ban, ho gà… được bố trí điều trị ở khu điều trị tăng cường của bệnh viện. Tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh viện cũng đã tiến hành cách ly thành hai khu vực riêng biệt, trong đó có khu vực đặc biệt dành riêng cho các bệnh nhân mắc sởi nặng phải dùng máy thở, có đội ngũ nhân viên điều dưỡng, thăm khám riêng biệt.
Trước nhu cầu tiêm phòng vắc-xin sởi của người dân tăng cao, ngày 22/4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai điểm tiêm vắc-xin phòng chống sởi miễn phí ngay tại Trung tâm với 2 ê kíp tiêm, phục vụ cho tất cả các đối tượng có nhu cầu và được chỉ định. Ngay trong buổi sáng đã có hơn 40 trẻ được tiêm phòng; đồng thời các gia đình đưa trẻ đến tiêm cũng được tư vấn đầy đủ về cách phòng chống bệnh sởi.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, sau khi thông tin về phòng chống bệnh sởi được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, những ngày qua, lượng người đến tiêm phòng sởi tại trung tâm đã tăng vọt. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiêm phòng cho khoảng 100 trẻ, trong đó hầu hết các cháu được cha mẹ đăng ký tiêm phòng loại vắc-xin phối hợp "3 trong 1" (sởi, quai bị, rubella), song hiện tại loại vắc-xin này đã hết và đang chờ cung ứng.
Việc triển khai tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi tại Trung tâm ngay trong thời điểm này giúp cho số trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi chưa tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin phòng chống bệnh sởi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trước dự báo về số trẻ đến tiêm tiếp tục tăng cao trong những ngày tới, Trung tâm đã chuẩn bị hơn 4.000 liều vắc-xin sởi, đồng thời có kế hoạch đảm bảo đủ vác xin đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong gần 4 tháng qua, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 50 trẻ nghi mắc sởi, trong đó bệnh nhân nhi đã được lấy mẫu xét nghiệm và chỉ có 2 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Hiện tất cả các ca bệnh nghi nhiễm virus sởi trên địa bàn tỉnh đều được điều trị tại các cơ sở y tế theo đúng phác đồ và không có ca bệnh nào biến chứng nặng.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa chỉ đạo cho các đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh thực hiện các biện pháp cấp bách, tăng cường công tác truyền thông đến nhân dân để nhận biết về bệnh sởi, nguy cơ bùng phát lây lan trong trẻ em, đồng thời thực hiện các biện pháp chuyên môn về y tế để đảm bảo việc phòng chống và đối phó có hiệu quả với bệnh sởi hiện nay.
Tỉnh An Giang chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thị, thành phố tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ danh sách trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi theo quy định, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm vắc-xin chống dịch theo chỉ định, và lập kế hoạch để tiêm vét và thực hiện tiêm vét theo lịch cụ thể, phù hợp ở 11 huyện, thị, thành trong tỉnh.
TTXVN/ Tin tức