Để việc tinh giản biên chế khả thi

Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện trong vòng 6 năm tới (2014 - 2020) để lấy ý kiến dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tinh giản biên chế là cần thiết, song Bộ Nội vụ cần đưa ra cơ chế đánh giá cán bộ, công chức cụ thể làm cơ sở tinh giản biên chế, để nghị định này có tính khả thi hơn.


Sếp doanh nghiệp cũng sẽ bị tinh giản


Theo dự thảo nghị định này, những người nằm trong diện tinh giản không chỉ là cán bộ, công chức trong biên chế mà còn cả viên chức; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn; người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù.

Tinh giản biên chế giúp cho bộ máy hành chính bớt cồng kềnh và hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Đối tượng tinh giản còn mở rộng đến thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, nay được cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập và giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của nông lâm trường quốc doanh sắp xếp lại.


Kế thừa những quy định của Nghị định 132 (hết hiệu lực từ năm 2012), dự thảo nghị định lần này đã bổ sung hàng loạt những quy định mới về đối tượng tinh giản biên chế. Cụ thể, những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, nhưng không thể bố trí việc làm khác; những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Bộ Nội vụ cho biết, những quy định này nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng ngành, nghề đào tạo đồng thời đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu thông qua việc đánh giá, phân loại hàng năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, để đánh giá "năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" hay không sẽ thực hiện trên nguyên tắc "cấp trên đánh giá cấp dưới", ai giao việc thì người đó có thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá... Trong thời gian tới, việc đánh giá sẽ được triển khai quyết liệt nhằm tạo cơ sở cho việc biểu dương, khen thưởng, tinh giản biên chế hiệu quả.


Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, Thành viên Hội đồng khoa học thuộc Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng, cơ chế đánh giá mục tiêu “không hoàn thành nhiệm vụ” không đơn giản. Bên cạnh đó, nếu tinh giản cán bộ, công chức vì “chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm” thì đầu tiên, phải xem xét đến trách nhiệm của người tuyển dụng. “Tại sao lại tuyển dụng người không đúng chuyên môn vào vị trí đó?”, ông Khiển băn khoăn. Cũng chính việc tuyển dụng, đánh giá thiếu rành mạch, còn nặng tính thân quen, nể nang mà biên chế trong bộ máy hành chính đang “đầy” dần, dẫn đến quá tải. “Bộ máy hành chính giống như chiếc xe khách, chỉ chở được 45 người nhưng lại nhồi nhét đến 60 - 70 người. Rõ ràng, giảm biên chế là việc làm cần thiết vì bộ máy hành chính đã quá cồng kềnh và ít hiệu quả. Tuy nhiên, với tiêu chí còn chung chung như trong dự thảo thì tôi cho rằng tính khả thi của nghị định này không cao”, ông Khiển nhận định.


Xã hội hóa dịch vụ công


Theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, để giải đáp bài toán nhân sự thì một trong những nguyên tắc quan trọng là phải trao thêm quyền cho người đứng đầu. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có quyền trong việc chi trả lương cho nhân viên thì phải chịu trách nhiệm và chịu những hình phạt khi tuyển dụng hoặc quản lý nhân viên không hiệu quả. “Thủ trưởng có quyền từ chối tăng lương cho nhân viên nếu nhân viên làm việc không hiệu quả. Điều này đã được các cơ quan ngoài công lập thực hiện từ nhiều năm nay. Cách đánh giá này chính là động lực thúc đẩy tính năng động của nhân viên”, ông Khiển cho biết.


GS.TS Vũ Văn Thái, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế, Bộ Nội vụ lại cho rằng, cái gốc của vấn đề tinh giản biên chế là mỗi cơ quan, đơn vị cần xác định số lượng biên chế cần thiết theo vị trí việc làm. Các cơ quan chỉ lấy đúng và đủ người, còn lượng dôi dư phải “thẳng tay” loại bỏ. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển cho biết, muốn xác định lượng biên chế chính xác, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị cần có bảng kế hoạch dài hạn mô tả và phân tích công việc. “Tại sao lại cần từng này người, mỗi người cần làm những việc cụ thể gì? Căn cứ vào đó mà đơn vị chỉ tuyển đúng, đủ người theo vị trí việc làm. Bộ Nội vụ cũng cần tham mưu, đề xuất Chính phủ trong vấn đề này, không để cho các bộ, ngành và địa phương tăng biên chế không phù hợp với yêu cầu”, ông Khiển nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển cũng đề xuất việc xã hội hóa dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế, nhằm giảm tải cho bộ máy hành chính cồng kềnh. Ông Khiển lấy ví dụ, một trường công lập có khoảng 70 cán bộ, công chức chịu sự quản lý của hàng loạt các cơ quan như: sở giáo dục, phòng giáo dục, phòng lao động thương binh xã hội, sở nội vụ... Trong khi đó, nếu là trường tư thục thì “đội quản lý” sẽ giảm đi rất nhiều. “Tuy nhiên, việc chuyển sang khu vực tư nhân cũng cần có lộ trình với mục đích rõ ràng”, ông Khiển kết luận.


Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN