Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, vụ bạo hành trẻ trong cơ sở giáo dục tư nhân Mầm Xanh gần đây không phải là vụ việc đầu tiên hay duy nhất. Vì vậy, ngành giáo dục đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Hiện nay, giáo viên, bảo mẫu chỉ cần tham gia lớp bồi dưỡng ngắn hạn là có thể được cấp chứng chỉ hành nghề, vậy Sở Giáo dục và đào tạo có nên tính đến việc siết chặt cấp chứng chỉ giáo viên mầm non hay không?
Nhiều đại biểu cũng cho biết, từ lâu xã hội đã mất lòng tin vào chất lượng giữ trẻ ở cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục. Tuy nhiên do trường hợp bất khả kháng, người lao động nghèo, công nhân các khu công nghiệp vẫn phải gửi con vào các nhóm trẻ tư thục, vậy ngành giáo dục thành phố nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Ngành giáo dục thành phố đã làm những gì để thay đổi tình trạng trên để người lao động yên tâm làm việc?
Lứa tuổi mầm non cần được chăm sóc yêu thương để nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ khi lớn. |
Trả lời những thắc mắc trên của các đại biểu và cử tri thành phố, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết công tác giáo dục ở cấp mầm non luôn được ngành giáo dục thành phố quan tâm. Hiện nay, quy trình cấp phép, kiểm tra trường mầm non do UBND quận, huyện chịu trách nhiệm. Trong khi đó, nhóm lớp tư thục thuộc quyền quản lý của UBND cấp phường, xã. Từ đầu năm đến nay, Sở và đơn vị trực thuộc có phối hợp thường xuyên với chính quyền các cấp kiểm tra, chấn chỉnh, sửa chữa, uốn nắn mọi mặt tại các cơ sở giáo dục ở 19 quận, huyện.
“Toàn thành phố có 540 hộ giữ trẻ gia đình (dưới 7 trẻ) có đăng ký kinh doanh và vẫn còn nhiều nhóm trẻ gia đình hoạt động không phép, tự phát. Việc bạo hành trẻ vẫn chủ yếu xảy ra ở nhóm lớp tư nhân có từ 8 - 20 trẻ do phường, xã quản lý. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng này, sắp tới Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, phường, xã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chăm sóc trẻ cho các giáo viên, bảo mẫu để thay đổi nhận thức trong việc nuôi dạy trẻ. Tăng cường kiểm tra thường xuyên các nhóm trẻ tư thục, gia đình để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý triệt để nhằm tránh các vụ việc đau lòng như trường Mầm xanh”, ông Sơn cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, để xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em trước hết là trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương. Bởi từ khu phố, tổ dân phố, không chỗ nào là không có chính quyền, các tổ chức chính trị đại diện quyền lợi người dân. Tuy nhiên, những vụ bạo hành trẻ em dã man, gây phẫn nộ dư luận vẫn xảy ra và vẫn chỉ do báo chí phát hiện chứ không phải các cơ quan chức năng, đơn vị địa phương. Vì vậy, cần xem xét lại việc quản lý của chính quyền, đoàn thể, đơn vị tại địa phương.