Câu chuyện “văn hóa xe buýt” từ lâu đã trở thành mối quan tâm chung của rất nhiều người dân Thủ đô. Đã xảy ra rất nhiều vụ lái xe, phụ xe có thái độ thiếu tôn trọng, thậm chí hành hung hành khách. Xét một cách toàn diện, “văn hóa xe buýt” là câu chuyện dài, cần cái nhìn khách quan ở cả hai phía: Người phục vụ và hành khách đi xe.
“Còn nói nữa tao đuổi xuống xe đấy!”
“Hôm qua lúc đi học mình gặp thái độ không tốt của lái xe tuyến 27. Khi mình lên xe được hai điểm, tới chợ La Khê - Hà Đông thì có 3 người thanh niên lên xe. Ba người đó mua vé xong nói chuyện với nhau thì lái xe nói: “Mấy thằng dân tộc kia không nói chuyện nữa, nói thì chẳng hiểu gì, còn nói nữa tao đuổi xuống xe đấy...” một lúc sau lái xe mở cửa đuổi 3 người đó xuống xe, còn dùng những từ ngữ thô tục chửi họ, thậm chí lái xe còn định nhảy xuống xe đánh mấy người đó nhưng phụ xe đã cản lại...”
Một hành khách đi xe buýt bị phụ xe đánh rách mí mắt ngày 28/3 vừa qua. Ảnh: VnExpress |
Đó là một trong những chia sẻ bức xúc trong rất nhiều câu chuyện bức xúc khác của một thành viên trong diễn đàn xebushanoi.com về cách đối xử của lái xe, phụ xe buýt đối với hành khách. Đây là một thực trạng đã được nói nhiều trong thời gian qua và trở nên quá quen thuộc đối với những người đi xe buýt. Chỉ cần lên một chuyến xe từ đầu bến đến cuối bến trong giờ cao điểm đã có thể chứng kiến rất nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề “văn hóa xe buýt” hiện nay.
Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến một thai phụ mệt nhọc đứng dậy khỏi ghế chờ, cố len qua những hành khách khác để lên xe. Nhưng do bụng mang dạ chửa, xe lại đông nên khó khăn lắm chị mới lách lên được cửa xe. Thay vì cầm đồ giúp hay đỡ khách lên xe, nhân viên bán vé tuyến 32 Giáp Bát - Nhổn quát lên: “Nhanh chân lên, chậm chạp thế từ sau đừng có mà đi xe buýt, không ai chờ được”. Khi người phụ nữ vừa bước lên xe, nhân viên đã đẩy khách vào trong để đóng cửa xe lại, mặc kệ thai phụ ngã chúi vào những hành khách đứng ở phía trước. Nhiều người tỏ thái độ bất bình, nhưng cũng có người tặc lưỡi quay đi vì chuyện như thế này không hề hiếm trên xe buýt.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ sự việc xảy ra vào tháng 10 năm 2011, khi lái và phụ xe buýt tuyến 34 đã đánh đập, chửi bới và bắt hành khách đi nhầm tuyến phải quỳ xuống mới mở cửa cho xuống. Vụ việc đã khiến dư luận phản đối gay gắt. Có lẽ cũng vì sợ cảnh nhồi nhét trên xe và sợ phải nghe những lời mắng chửi của nhân viên xe buýt nên nhiều người dân đã tránh xa xe buýt.
Theo phản ánh của nhiều người đi xe buýt hiện nay, tình trạng nhân viên xe buýt gian lận, thu tiền mà không xé vé cho hành khách, lấy tiền của nhà nước “đút túi” thường xuyên xảy ra. Nhà ở Đông Anh nhưng làm việc tại Ba Đình nên anh Nguyễn Tuấn thường xuyên đi xe buýt, hành khách này cho biết: “Chuyện nhân viên không xé vé cho hành khách là chuyện thường. Nhiều hành khách thắc mắc thì nhân viên thu vé một tay cầm tập vé, một tay cầm tiền thản nhiên nói “hết vé rồi”. Mỗi chuyến xe buýt có hàng trăm khách lên và xuống xe liên tục. Chỉ cần làm phép tính đơn giản có thể nhẩm tính được trung bình một chuyến nhân viên xe buýt có thể “đút túi” hàng trăm nghìn đồng tiền vé”.
Hành khách cũng cần có văn hóa
Trên tất cả các xe buýt đều có gắn các khẩu hiệu như “an toàn, văn minh, lịch sự”, “cấm hút thuốc trên xe”, “đón trả khách đúng nơi quy định”… Khi hành khách lên, xuống xe đều được sự nhắc nhở của các lái, phụ xe như không được hút thuốc, phải nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, mọi người phải giữ gìn trật tự chung… Nhưng đáng buồn là có không ít hành khách đi xe buýt thiếu ý thức, thản nhiên buôn chuyện điện thoại, nhất là thanh niên, học sinh thường trêu đùa, ăn uống, vứt rác trên xe. Thậm chí một số thanh niên còn “phì phèo” thuốc lá, nếu bị nhắc nhở lại tỏ ra khó chịu hay văng tục, chửi bậy.
Hành khách đi xe buýt rất cần có văn hóa. |
Đặc biệt là vào những giờ cao điểm, hành khách đi xe đông, hiện tượng chen lấn, xô đẩy đã dẫn tới xung đột giữa hành khách với nhau và giữa hành khách với phụ xe... Cũng trong tuyến xe buýt 32 kể trên, khi xe chật như nêm, hành khách phải chen chân mới có chỗ đứng. Một cụ già tầm 70 tuổi vừa len vừa thở dốc. Người già, phải vật lộn mãi mới chen chân được lên xe, rồi lại phải đứng cả đoạn đường dài nên nhìn cụ như sắp ngất. Chẳng may bà cụ dẫm phải chân một nữ sinh ngồi gần lối đi. Cô gái này ngay lập tức quát lên “Người đâu mà đi đứng vô duyên”, bà cụ áy náy xin lỗi nhưng vị hành khách kia chỉ nguýt một cái dài rồi quay đi, không mảy may ý định nhường ghế cho bà cụ đang ngả nghiêng theo đừng đợt phanh gấp của xe buýt.
Nhiều khi chính hành khách đi xe lại khiến cho “văn hóa xe buýt” bị xuống cấp. “Văn hóa phải được xây dựng từ hai phía, từ người phục vụ đến người được phục vụ. Năm nào chúng tôi cũng đưa ra các đợt thi đua nâng cao chất lượng, đầu năm và cuối năm. Sau đó mới thấy rằng một mình mình cố gắng thì không đủ. Người được phục vụ cũng phải có văn hóa mới được. Văn hóa thể hiện từ chỗ lên xuống, nói năng, thực hiện nội quy đi xe buýt như thế nào. Nhiều người quan niệm “chúng tôi là thượng đế cơ mà”, lại có chuyện 3-4 sinh viên chung nhau một thẻ xe buýt. Xe đến trước rất đông nhưng vẫn cố nhao lên dù nhìn thấy xe khác chạy ngay sau…”, ông Lương Đức Thịnh, phó GĐ trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội nói.
Hiện nay, công suất hoạt động quá tải đã ảnh hưởng đến chất lượng xe buýt. Theo thống kê của Tổng công ty vận tải Hà Nội, năm 2001 bình quân 1 xe buýt chỉ vận chuyển 119 hành khách/ngày, năm 2005 tăng lên 1095 hành khách và hiện tại đã chạm ngưỡng tối đa là 1152 hành khách. Vì vậy, bên cạnh biện pháp nâng cao chất lượng của hệ thống, rất cần xây dựng văn hóa xe buýt ở cả hai phía.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết: “Trong năm 2011, với các lỗi thất thóat doanh thu, cắt lộ trình và thái độ vô lễ với khách hàng sau khi có bằng chứng rõ ràng, chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động 87 trường hợp. Khiển trách bằng văn bản, bồi hoàn vật chất theo quy chế 1.370 trường hợp và nhắc nhở khiển trách trước tập thể 377 trường hợp”. Tuy nhiên, để xe buýt hoạt động hiệu quả theo đúng chức năng của nó thì đòi hỏi ý thức rất cao của cả nhân viên phục vụ lẫn hành khách đi xe.
Nam Hoàng - Thu Trang - Tạ Nguyên
Kỳ 5: Để hành khách không “ngại” đi xe buýt