Để xe buýt thật sự tiện ích

Giao thông đô thị rất cần mạng lưới giao thông công cộng, trong đó có xe buýt. Tuy nhiên xe buýt hiện nay vẫn còn gặp phải nhiều bất cập như tình trạng bỏ bến, thái độ phục vụ khách của nhà xe hay chất lượng xe buýt…


Nhiều tiện ích


Xe buýt có nhiều tiện ích, đầu tiên đó là giá rẻ. Không phải ai cũng có thể sắm một chiếc xe máy, nhất là với sinh viên ngoại tỉnh hay những người có thu nhập thấp, đi xe buýt rất hợp túi tiền. Ngoài ra so với xe máy thì xe buýt an toàn hơn hẳn nhưng theo thống kê, hiện nay chỉ có khoảng hơn 5% số người sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại.


Chen lấn xô đẩy để được lên xe.


Bạn Khánh Phúc, học viên trường Aptech, cho biết: “Là sinh viên nghèo nên tôi chọn xe buýt là phương tiện đi lại vừa hợp kinh tế lại khá an toàn. Việc thu xếp sao cho kịp giờ xe chạy còn rèn luyện cho tôi tác phong công nghiệp”.


Còn bác Thùy, một cán bộ đã về hưu, cho hay, ông rất thích đi xe buýt vì thuận tiện đối với người hưu trí (rẻ hơn so với đi taxi). Đi xe buýt an toàn với những người hay lơ đãng như ông. Không những thế đi xe buýt ít bụi bặm. Mùa đông ấm, không sợ mưa rét, mùa hè mát, không bị nắng, mưa.


Còn nhiều hạn chế


Chờ xe buýt ở Bờ Hồ lúc 6 giờ, mất hơn 30 phút tôi cùng với khoảng 20 hành khách trên xe qua nhiều con phố để đến phố Đội Cấn, thêm 10 phút nữa để đến trạm trung chuyển đối diện Trường ĐH Giao thông Vận tải, chờ để lên một chuyến xe khác, cuối cùng cần 10 phút mới có thể đến được ĐH Quốc gia. Vậy là vào giờ cao điểm, phải mất khoảng một tiếng đồng hồ qua hai tuyến xe buýt (09) và (32) để đi từ trung tâm thành phố đến ĐH Quốc gia.


Mặc dù mạng lưới xe buýt hoạt động với nhiều tuyến, khách ở bến chỉ chờ khoảng 10 phút là có thể lên xe nhưng không phải bến xe buýt nào cũng vậy. Những bến xe buýt trên đường Tôn Đức Thắng, Thái Hà, Chùa Bộc, Cửa Bắc… nhất là ở những trạm trung chuyển vào giờ cao điểm rất đông. Hàng trăm khách chen chúc tìm chuyến xe mình cần trong một không khí “nghẹt thở”. Nhưng nhiều khi chờ để được lên xe thì xe lại bỏ bến. Điều này không chỉ gây bức xúc, phiền toái mà còn làm mất lòng tin của hành khách với xe buýt.


Anh Tân, nhân viên bảo vệ ở bến xe Kim Mã, cho hay: “Qua trao đổi hàng ngày với nhiều lái xe thì trường hợp xe buýt bỏ bến theo tôi đa phần do trên xe đông, mặc dù khách ở bến đứng vẫy nhưng lái xe chỉ đi lướt qua lấy lệ chứ không mở cửa đón khách. Tình trạng bỏ bến thường vào những điểm dừng gần cuối tuyến. Bản thân tôi trên đường về quê đã gặp nhiều trường hợp như vậy ở các bến xe ngoại thành. Theo tôi thì tình trạng bỏ bến còn diễn ra ở nhiều tuyến xe buýt”.


Lái xe Đoàn Văn Hùng, Xí nghiệp xe buýt 10-10 cho biết: “Trường hợp xe bỏ bến là có. Những lúc xe quá đông, nhất là vào giờ cao điểm, khiến lái xe buộc phải bỏ bến nếu không xe sẽ quá tải. Ngoài ra phía hành khách, do không chú ý nên khi xe chuyển bánh mới vội vàng chạy theo, nếu lái xe mở cửa cho khách lên sẽ gây nguy hiểm như trường hợp của cô gái chạy theo xe tuyến 12 ngày 2/11 vừa qua là một ví dụ”.


Từ đó có thể thấy nguyên nhân của tình trạng xe bỏ bến là do không đủ xe để đáp ứng, khiến lái xe buộc phải bỏ bến. Ngoài những khó khăn nêu trên, hành khách còn gặp phải những bất tiện khác như thái độ phục vụ của nhà xe. Một số lái, phụ xe có thái độ thiếu văn hóa như văng tục, chửi thề, mắng và xô đẩy khách. Nhiều điểm đỗ không có nhà chờ, phải đợi xe dưới mưa, nắng, rét mướt. Trong khi đi thực tế vào khoảng 5 giờ chiều 23/11, tôi cũng gặp phải hai trường hợp trên tuyến 50 (Long Biên - sân vận động Quốc Gia) do xe quá đông nên phụ xe liên tục quát khách lui xuống dưới để nhường chỗ bên trên mặc dù không có hành khách nào lên xe thêm, khi khách còn đang xuống xe thì cánh cửa bất ngờ đóng lại va vào nhiều khách trên xe khiến họ bất bình to tiếng.


Tuy nhiên cũng phải kể đến ý thức của khách đi xe, như tình trạng chen lấn xô đẩy vào giờ cao điểm hoặc mất trật tự, nhất là thanh niên, học sinh nói chuyện ầm ĩ, mặc những lời nhắc nhở của mọi người xung quanh. Tình trạng không nhường ghế cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ là điều rất phản cảm, thiếu văn hóa của thanh niên thủ đô. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến trường hợp khi xe đã đông khách mà vẫn có người mang hàng hóa cồng kềnh lên xe như tuyến 22 (bến xe Gia Lâm-Viện Quân y 103), thậm chí có hành khách mang cả chó lên xe như tuyến 71 (Kim Mã - Trung Hà).


Đó là chưa kể tới việc, một số khách thiếu ý thức khạc nhổ hay nhả kẹo cao su trên xe, học sinh thì dùng bút viết, vẽ nhằng nhịt ra ghế ngồi hay tình trạng trộm cắp vẫn thường xuyên xảy ra… Anh Nhật, một hành khách đi xe, cho biết: “Nhiều người đi xe có những yêu cầu rất khó chịu như bắt lái xe bất ngờ phải dừng ở những nơi không phải bến xe buýt thậm chí chửi bới lái xe khiến bản thân tôi là khách nhưng cũng cảm thấy bức xúc”.


Để xe buýt là phương tiện chủ lực


Vì sao xe buýt vẫn không là phương tiện vận tải khách công cộng chủ lực? Nguyên nhân là chất lượng phục vụ của nhân viên và cơ sở hạ tầng giao thông đô thị còn bất cập, chưa được cải thiện nên nhiều người vẫn ngại đi xe buýt. Có thể khẳng định rằng xe buýt chưa hấp dẫn là do chưa thuận tiện. Vì vậy, vấn đề này cần cơ quan chức năng, các nhà quản lý cần có điều chỉnh hợp lý để tăng cường các chuyến xe buýt, tần suất và sức chứa xe buýt phục vụ vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhất là vào giờ cao điểm, hay trong dịp lễ, Tết.


Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu tăng cường xe buýt vào giờ cao điểm sẽ giảm tình trạng xe bỏ bến. Cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục đề cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi ứng xử thô bạo thiếu văn hóa của các lái, phụ xe buýt đối với khách và người tham gia giao thông góp phần xây dựng hình ảnh xe buýt tiện ích, thân thiện.


Tích cực tuyên truyền vận động xây dựng văn hóa xe buýt tới thanh niên, sinh viên, học sinh. Nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới xe buýt, thu hút hành khách sử dụng loại hình này, giảm phương tiện cá nhân, chính là góp phần giảm ùn tắc giao thông. Khắc phục được những tình trạng đã nêu cũng sẽ nâng cao văn hóa xe buýt, khuyến khích người dân tham gia loại phương tiện này.


Bài và ảnh:Tuấn Anh

TPHCM tăng 400 chuyến xe buýt dịp Tết
TPHCM tăng 400 chuyến xe buýt dịp Tết

Đáp ứng nhu cầu đi lại, vui chơi của nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, ngành giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 400 chuyến trên 5 tuyến xe buýt trọng điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN