Nhiều băn khoăn
Trong tờ trình Chính phủ về dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án. Theo phương án 1, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Phương án 2, tiếp tục quy định như hiện hành, sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Đề xuất trên của Bộ Y tế đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng, điều này phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về chất lượng và số lượng dân số có nguy cơ tái nghèo.
Anh Nguyễn Đức Thanh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, phương án để cho cá nhân có quyền quyết định số con là rất đúng đắn. Một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc do siết chặt luật về dân số nên đang phải đối mặt với nguy cơ dân số già hóa, tỷ lệ sinh ngày một thấp. "Để cá nhân có quyền tự quyết định số con mình sinh là rất nhân văn. Các cặp vợ chồng sẽ tùy vào khả năng của từng gia đình mà định số con. Như vậy việc chăm sóc và giáo dục sẽ tốt hơn”, anh Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, chị Đặng Cẩm Linh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng, phướng án để cá nhân tự quyết định số con không khác gì khuyến khích các gia đình được sinh con thoải mái. Nếu dự thảo luật này được ban hành, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng dân số, nghèo đói tăng.
Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Thu Hường (Kim Đồng, Hà Nội) cũng cho rằng chỉ nên sinh từ 1-2 con để trẻ được nuôi dạy tốt nhất. Cá nhân chị Hường cũng đang làm mẹ của hai đứa con, chị thấy nuôi một đứa trẻ đã khiến gia đình phải tốn rất nhiều chi phí. “Trao quyền quyết định số lượng sinh con cho cá nhân có dẫn tới nguy cơ trẻ không được chăm sóc đầy đủ. Chưa kể tới việc tình cảm đón nhận từ bố mẹ sẽ chắc chắn không được bằng so với gia đình chỉ sinh từ 1- 2 con”, chị Hường chia sẻ.
Gắn chặt yếu tố vùng, miền, dân tộc
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định như hiện hành (mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con) có ưu điểm lớn là dân số được duy trì ổn định. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là nhiều gia đình chỉ muốn sinh 1 con, tối đa là 2 con dẫn đến tỷ lệ sinh thay thế không đáp ứng được nhu cầu dân số, làm xu hướng dân số giảm đi dẫn đến già hoá rất nhanh và từ đó thiếu nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó, với việc giới hạn số con, nhiều gia đình lại lựa chọn sinh con trai hay con gái dẫn đến mất cân bằng giới tính.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng chỉ ra, nếu duy trì quy định hiện nay, một số dân tộc rất ít người có nguy cơ suy giảm, thậm chí xoá sổ trong tương lai. Từ thực tế này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phương án các cặp vợ chồng được tự quyết định số con, thời gian sinh con là phù hợp. “Các gia đình được tự chủ về vấn đề sinh đẻ, tự cân đối được tài chính, sức khoẻ để có điều kiện chăm sóc con cái một cách tốt nhất. Xét về tổng thể, đây là phương án có lợi”, ông Lợi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, phải gắn chặt yếu tố vùng, miền, dân tộc khi áp dụng quy định này chứ không phải được sinh đẻ một cách thoải mái.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Hiểu đúng phương án 1 là điều chỉnh số lượng con phù hợp với mức sinh thay thế hay nới lỏng mức kiểm soát sinh.
Theo đó, phương án 1 sẽ được áp dụng rất linh hoạt, mềm dẻo. Ngoài việc trao quyền tự quyết cho các cặp vợ chồng, Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con.
Ở mỗi giai đoạn, từng vùng, từng tỉnh thành sẽ có quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước. Điều này đồng nghĩa giảm sinh ở những tỉnh có mức cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít. Cụ thể, đề xuất này sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh. Những nơi có mức sinh cao như Lai Châu tỉ lệ 3,11 con, Quảng Trị 2,94 con, Hà Giang 2,93 con... sẽ phải giảm xuống, nhưng các tỉnh có mức sinh thấp như TP Hồ Chí Minh 1,45 con, Vũng Tàu 1,56... con sẽ phải tăng lên.
Theo TS Quang, đây là quy định mở, đáp ứng cho từng nhóm đối tượng, từng vùng miền. Linh động vậy nhưng không thể lấy chính sách dân số của tỉnh vùng núi áp dụng cho Hà Nội được. Tất cả các địa phương sẽ phải có chính sách điều chỉnh cho sát mức sinh thay thế chứ không thể sinh thoải mái 3-4 con. Nếu cân bằng được giữa các vùng thì thời gian dân số vàng sẽ kéo dài hơn.