Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tổ chức Healbridge Canada tại Việt Nam tổ chức sáng 25/9.
Hiện Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) chiếm tỷ lệ 24,3%. Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá gây ra. Mỗi năm Việt Nam chi khoảng 24.000 tỷ đồng cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra là: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm. Ước tính, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện này các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, việc thuốc lá giá rẻ, dễ dàng mua và sử dụng khiến tỷ lệ người hút cao, nguy cơ gia tăng các bệnh do tác hại của thuốc lá tạo nên gánh nặng rất lớn. Việc tăng thuế thuốc lá là một giải pháp làm giảm tỷ lệ sử dụng, qua đó giảm bệnh tật và tử vong và giảm chi phí khám chữa bệnh do sử dụng thuốc lá, đồng thời đây cũng là một trong những cách tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt tăng thuế còn là giải pháp hiệu quả giảm hút thuốc lá ở trẻ em.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là “ tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (là 70%).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế thuốc lá làm tăng giá thuốc lá khiến một bộ phận người hút thuốc bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu thuốc, đồng thời, giúp ngăn ngừa một số người bỏ ý định tập hút thuốc ngay từ ban đầu.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Trung bình nếu giá thuốc lá tăng 10%, tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước có thu nhập cao và giảm 5% ở những nước có thu nhập trung bình và thấp.
“Điều quan trọng, việc tăng thuế thuốc lá sẽ sẽ tác động mạnh hơn tới thanh thiếu niên. Việc tăng thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm trẻ và vị thành niên. Vì những đối tượng này còn đi học, hoặc chưa có khả năng kiếm tiền. Nên khi giá thuốc tăng, khả năng mua thuốc hút sẽ giảm. ước tính, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn”, bác sĩ Tuấn Lâm phân tích.
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; Bộ Y tế cũng đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần được tăng ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc để có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020. Qua kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng cũng cho thấy, phần lớn người dân cũng rất ủng hộ đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá.