Song quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ; xuất hiện các mâu thuẫn liên quan đến đất đai, người dân không đồng thuận với phương án đền bù, bồi hoàn giá trị do nhà nước quy định. Xuất phát từ thực tế đó, đầu năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tiến hành khởi động dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai” được tài trợ bởi chương trình quản trị đất khu vực sông Mê Kông thông qua tổ chức Oxfam tại Việt Nam.
Hỗ trợ giám sát đất đai tại địa phương
Hòa Bình là một trong 3 địa phương của cả nước được hỗ trợ thực hiện trong thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2017 và xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy là một trong những địa bàn được chọn để thực hiện dự án. Sau khi khởi động dự án, 11 hoạt động của hợp phần thử nghiệm đã được triển khai bao gồm hỗ trợ hình thành Ban giám sát cộng đồng; hội thảo lập kế hoạch, tập huấn Luật Đất đai 2013; tập huấn Bộ hướng dẫn công dân giám sát đất đai, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giám sát trong quản trị đất đai,…
Trong quá trình thực hiện dự án, được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và người dân, Ban giám sát cộng đồng đã được thành lập tại xã Yên Bồng gồm 9 thành viên và được hỗ trợ thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo để nắm rõ các thông tin và hiểu rõ các vấn đề liên quan đến quyền giám sát của công dân trong quản lý và sử dụng đất được quy định trong các văn bản pháp lý. Đồng thời, Ban giám sát cộng đồng giới thiệu bộ công cụ và các kỹ năng giám sát, quy trình giám sát; kỹ năng tài liệu hóa; thống nhất và lập kế hoạch triển khai giám sát... để từ đó triển khai các hoạt động thí điểm tại địa phương.
Đến nay, Ban giám sát cộng đồng đã có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả. Đáng chú ý là việc liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp của người dân để làm tuyến đường khảo sát và xây dựng Nhà máy sản xuất tinh bột nhẹ Xuân Thiện tại thôn Quyết Tiến và thôn Sốc Bai (xã Yên Bồng). Ban đầu nhiều hộ dân đã không đồng tình việc áp giá đền bù thu hồi đất và hỗ trợ chuyển đổi việc làm. Do vậy, Ban giám sát đã kịp thời nắm bắt tình hình và tổ chức các cuộc họp để trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân, phân tích cho người dân về công tác đền bù đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi được tuyên truyền, tham vấn đã có 80/86 hộ dân vui vẻ nhận tiền đền bù và hỗ trợ chuyển đổi việc làm.
Cụ thể trong tháng 12/2017, chính quyền và ban giám sát cộng đồng xã Yên Bồng đã ký biên bản ghi nhớ thực hiện công dân giám sát trong quản trị đất đai. Dự án triển khai đã có 330 người hưởng lợi trực tiếp, trong đó, 300 người dân vùng dự án được cung cấp kiến thức và thông tin liên quan đến quản trị đất đai. 20 người dân trực tiếp tham gia các hoạt động giám sát trong quản trị đất đai ở cấp xã. 10 cán bộ địa phương thể hiện sự cải thiện tích cực trong thái độ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế tham gia giám sát của người dân. 15 cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện được nâng cao năng lực trong giám sát quản trị đất đai. Ngoài ra còn có hàng nghìn người dân trong và ngoài huyện thực hiện dự án được hưởng lợi gián tiếp.
Ông Trần Mạnh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Bồng chia sẻ: “Trước đây người dân không đồng tình việc đền bù thu hồi đất và chuyển đổi việc làm một phần chính là do chưa nắm bắt được kịp thời các thông tin, không được tham vấn và trao đổi một cách thấu đáo. Đến nay, nhờ thành lập Ban giám sát mà người dân trong xã luôn được giải đáp mỗi khi có thắc mắc liên quan đến đền bù đất đai, cũng như việc sử dụng đất đai đúng quy định của pháp luật; thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả người dân đã hiểu rõ về cách thức để thực thi quyền giám sát của mình trong lĩnh vực đất đai”. Đồng thời, người dân cũng đã giám sát chính quyền địa phương trong việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương hàng năm.
Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới
Bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết: Hội đã tổ chức các lớp tập huấn về công dân giám sát và quản trị đất đai, hội thảo đối thoại chính sách trong quản lý và sử dụng đất cho các hộ dân trên địa bàn, có sự tham gia của đại điện chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức chương trình giao lưu sân khấu hóa về “Công dân giám sát trong quản trị đất đai’’ nhằm góp phần truyền tải các kiến thức pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con nông dân, hơn nữa cũng là sân chơi bổ ích, là cơ hội để hội viên nông dân được giao lưu, học hỏi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc công dân tác giám sát quản trị đất tại địa phương. Tham gia ý kiến đóng góp trực tiếp về nội dung Công dân giám sát trong quản trị đất đai đã được ghi nhận và bổ sung vào chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Chương trình phối hợp đã được ký kết vào ngày 22/12/2017). Và đầu năm 2018, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về cơ chế phân cấp quản lý, phát huy vai trò của công dân trong việc giám sát, quản trị đất đai.
Có thể thấy dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai” có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại địa phương. Đến nay người dân có thể tự theo dõi, thu thập thông tin, đánh giá việc thực thi của cơ quan nhà nước, đánh giá mức độ tuân thủ của các cơ quan chức năng đối với các quy định của pháp luật. Từ đó, có những phản hồi, kiến nghị, đưa tiếng nói của người dân đến với cơ quan quản lý nhà nước, để có sự cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp, tạo sự đồng thuận, giảm tiêu cực và những nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai khi triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thiết nghĩ trong thời gian tới các ngành chức năng cần tiếp tục có nhiều hơn các chương trình giao lưu, đối thoại để tạo sự thông suốt, thấu hiểu giữa chính quyền và người dân; tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý và giám sát việc sử dụng, quy hoạch đất đai, phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới.