Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu đã thốt lên như vậy tại hội nghị về kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm khu vực phía bắc diễn ra hôm qua 25.7 ở Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, tại 12 tỉnh, thành được xác định là “trọng điểm về giết mổ gia súc, gia cầm” ở miền Bắc, lực lượng thú y chưa kiểm soát được các lò giết mổ nhỏ lẻ. Theo ông Đông, tại các tỉnh này hiện có tổng cộng 11.544 cơ sở, điểm giết mổ nhưng mới chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 0,51%. Tại nhiều địa phương, “giết mổ lưu động” vẫn tồn tại, các “đồ tể” đem đồ nghề đến tận gia đình người nuôi heo, nấu nước, cắt tiết, làm lông rồi đem thịt đi tiêu thụ.
Một thực trạng đáng báo động là lực lượng thú y hiện mới chỉ kiểm soát được 929 cơ sở, điểm giết mổ, chiếm tỷ lệ quá nhỏ, khoảng 8,05%. Ở Hưng Yên, theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh này, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ nhưng chỉ có 1 điểm được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ.
Ông Đông cũng bày tỏ mối quan ngại về chất lượng và độ an toàn của những tảng thịt từ các lò mổ mất vệ sinh lại được chất đống trên những chiếc xe máy cà tàng, “đánh đu” trên đường, bất chấp cả những con đường ngập nước sau những cơn mưa nặng hạt. Theo ông Đông, nguy cơ nhiễm vi sinh, nhiễm bẩn đối với các loại thịt này là rất cao. “Thế nhưng, tình trạng đóng dấu thú y ngay tại chợ vẫn diễn ra phổ biến, không chỉ vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ, không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho các lò mổ chui, lò mổ nhỏ lẻ có đất để sống”, ông Đông nói.
Giết mổ trên sàn nhà mất vệ sinh - Ảnh: Quang Duẩn |
Kể lại hành trình thị sát các lò giết mổ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu bức xúc: “Tại các lò mổ mà tôi đến, đúng là có sự có mặt của các thú y viên, nhưng việc kiểm soát giết mổ lại chưa được chặt chẽ, nếu không muốn nói là đang bị buông lỏng. Người ta mổ heo ngay trên sàn nhà, rất mất vệ sinh. Nói thật là nếu chứng kiến cảnh giết mổ tại đây, chúng ta sẽ không dám sử dụng thịt này hằng ngày. Thế nhưng thú y viên vẫn vô tư đóng dấu, rồi cấp giấy thông hành cho các sản phẩm này lưu thông trên thị trường”.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần phải mạnh tay xóa sổ các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ và đẩy mạnh phát triển các cơ sở giết mổ tập trung, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, các cấp chính quyền cơ sở đóng vai trò quyết định. “Chính quyền cơ sở không ra tay, đố ông thú y làm được”, ông Đăng nói.
Theo Thanh Niên