Theo thống kê của chính quyền xã Định Thành, khu vực ấp Tha La có khoảng 30 hộ sinh sống trên phần đất rừng phòng hộ núi Cậu và khu vực hành lang bảo vệ hồ Dầu Tiếng. Tất cả đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ liên quan. 110 hộ sống rải rác khắp rừng trên địa phận Bình Dương.
Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng diện tích 33.754 ha (trong đó có 3.579 ha rừng sản xuất), nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Tân Châu và 1 xã của huyện Dương Minh Châu. Khu rừng giáp ranh đường biên giới với Campuchia; phía đông giáp tỉnh Bình Phước; phía nam và phía tây giáp hồ nước Dầu Tiếng - công trình thủy nông lớn nhất cả nước, điều tiết nước cho tỉnh Tây Ninh và một phần các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh.
UBND huyện Dầu Tiếng cho biết có hàng trăm con đường dẫn vào rừng nên rất khó kiểm soát. Người dân sống bao quanh bìa rừng phần lớn là hộ nghèo, làm thuê không ổn định, thường vào rừng để tìm kế sinh nhai hoặc tái lấn chiếm đất rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh làm rẫy.
Công trình khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân đang sinh sống trong rừng phòng hộ Núi Cậu thuộc dự án nhóm B, hạ tầng kỹ thuật cấp III có tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến là 45,908 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quá trình khảo sát, triển khai dự án kéo dài, chi phí thực hiện dự án (chi phí di dời, bồi thường) được điều chỉnh tăng thành 128 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng làm khu tái định cư là 10 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ di dời 110 hộ dân trong rừng phòng hộ là 70 tỷ đồng.
Công trình khu tái định cư rừng phòng hộ Núi Cậu được thực hiện và bàn giao cho UBND xã Định Thành (Dầu Tiếng) quản lý vào ngày 27/12/2021.
Công trình tái định cư đã sẵn sàng nhưng đến nay công tác di dời các hộ dân trong khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa thực hiện được, địa phương chưa được giải ngân chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời cho các hộ dân. Hiện tại, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Dầu Tiếng đang lập phương án di dời các hộ dân đang sinh sống trong rừng phòng hộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, vướng mắc này, tỉnh đã giao các sở ngành và UBND huyện rà soát lại các văn bản thành lập rừng phòng hộ và thời gian các hộ dân đến sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ để có phương án hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng, đảm bảo công tác hỗ trợ, bồi thường được thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng.