Hơn 60 hộ dân đến từ nhiều vùng khác nhau như Hải Dương, Quảng Ninh... đã gần 40 năm cư ngụ nơi mỏm sông này. Lấy thuyền làm nhà, các hộ dân về đây, dần gắn bó với nhau hình thành nên "làng xóm". Anh Lê Văn Giang, người được các hộ dân bầu làm “Tổ trưởng” chia sẻ, các hộ dân ở đây hầu hết đều làm nghề chài lưới và thợ lặn.
Cuộc sống khó khăn nên các hộ đều không dám mơ đến một căn nhà khang trang. Mỗi con thuyền nhỏ dù chật chội cũng đều là "căn nhà" che nắng che mưa của các gia đình. Nay thành phố yêu cầu di dời để bàn giao mặt bằng thi công dự án, tất cả bà con rất đồng tình ủng hộ.
Cũng theo anh Lê Văn Giang, mặc dù các hộ đồng tình di dời nhưng họ đều thuộc diện khó khăn, có gia đình đến 3 - 4 thế hệ cùng chung sống trên một con thuyền, thiếu hiểu biết pháp luật và còn thiếu nhiều giấy tờ liên quan... nên bà con rất mong thành phố quan tâm hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, xóm có hơn 60 hộ nhưng chỉ 6 hộ có hộ khẩu. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để xem xét hỗ trợ các gia đình trong việc ổn định đời sống. Bằng nguồn xã hội hóa, quận đã hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để di dời.
Đến ngày 16/11 đã có 16 hộ nhận tiền hỗ trợ. Để giúp người dân ổn định đời sống, quận đề xuất với thành phố xem xét bố trí các hộ dân có hộ khẩu được thuê lại các căn hộ do thành phố xây dựng, quản lý. Quận phấn đấu trong tháng 11 sẽ di dời xong làng chài để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Dự án Chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ có tổng mức đầu tư 572,355 triệu đồng do UBND quận Hồng Bàng làm chủ đầu tư. Hiện các công trình kè, đường giao thông, cây xanh chiếu sáng thuộc phạm vi phường Minh Khai đạt 50% khối lượng; khu tái định cư thuộc phạm vi phường Sở Dầu đạt 90% khối lượng. Quận Hồng Bàng cam kết đảm bảo mặt bằng phục vụ thi công theo đúng tiến độ đặt ra và đáp ứng đúng tiến độ giải ngân đầu tư công.
Trong buổi thị sát mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã xuống từng thuyền thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các hộ; đồng thời Chủ tịch thành phố đề nghị địa phương tập trung rà soát lại nguồn gốc đất, phê duyệt phương án đền bù hỗ trợ theo quy định, trong đó cần xem xét đến yếu tố thực tế người dân ở lâu năm, quan tâm tới các trường hợp không có nơi ở nào khác, tham mưu đề xuất thành phố hướng giải quyết kịp thời.