Phương tiện thủy Hồ Tây. Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN |
Theo phản ánh của một số chủ tàu và đơn vị kinh doanh du thuyền, nhà nổi Hồ Tây thì khó khăn nhất hiện nay là chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định vị trí tại bến mới ở khu vực Đầm Bảy để có thể xây cầu tàu cho thuyền cập bến. Chủ Nhà hàng Potomac – Du thuyền Hồ Tây cho biết, nếu được chỉ chỗ xây cầu tàu thì chỉ sau một đêm là có thể triển khai tập kết nguyên vật liệu, xây dựng ngay lập tức. Đơn vị này cũng kiến nghị mở rộng cầu tàu từ 2,4 m lên 4m để đảm bảo an toàn khi neo đậu.
Việc đình chỉ hoạt động trong khi chưa di dời về bến mới sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như đời sống nhân viên của các đơn vị kinh doanh nhà nổi, du thuyền Hồ Tây.
Cùng chung tâm trạng như chủ nhà hàng Potomac, ông Cao Ngọc Lâm, Tổng quản lý của nhà hàng Taboo cho biết Công ty luôn chấp hành tất cả những chỉ đạo của thành phố về việc di chuyển bến bãi. Tuy nhiên, tại bến mới chưa có cơ sở hạ tầng, cầu dẫn… nên nếu di chuyển đến đây thì cũng chưa thể hoạt động ngay được, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 50 - 60 nhân viên đang phải tạm nghỉ việc. Cơ quan chức năng sớm ổn định bến bãi để khi chuyển về nơi mới nhà hàng có thể bắt tay ngay vào công việc kinh doanh cũng là mong muốn của các hộ kinh doanh.
Trước đó, tại cuộc họp liên ngành ngày 15/6, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện đã khẳng định trước ngày 20/6 sẽ đình chỉ hoàn toàn hoạt động của các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây. Theo đó, đối với các phương tiện quá hạn sử dụng, không đáp ứng an toàn kỹ thuật yêu cầu doanh nghiệp tự phá dỡ hoặc di chuyển hẳn ra khỏi hồ.
Doanh nghiệp nào cố tình không chấp hành sẽ bị tịch thu, bán đấu giá phương tiện. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cùng Cảnh sát Giao thông Đường thủy lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có duy nhất một đơn vị chấp hành di chuyển là Công ty CP Du lịch thương mại Tây Hồ.
Trao đổi với Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông Đường thủy Hà Nội - ông Đoàn Đức Quang cho biết thời gian qua, đội Thanh tra Đường thủy đã đến từng doanh nghiệp để triển khai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở. Trong quá trình thực hiện đã lập biên bản vi phạm của các doanh nghiệp trên Hồ Tây; yêu cầu doanh nghiệp trong thời gian 3 ngày phải nghiêm túc thực hiện việc cắt bỏ những cầu tàu vi phạm về vấn đề xây dựng công trình trong hành lang đường thủy.
Ngày 20/6 lực lượng Thanh tra đã đến từng doanh nghiệp để kiểm tra việc chấp hành. Đến thời điểm hiện tại tất cả các doanh nghiệp đã dừng hoạt động. Lực lượng Thanh tra sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc các đơn vị di dời trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai các doanh nghiệp kiến nghị về cơ sở hạ tầng ở khu vực bến mới, khi di chuyển tới đó có cầu dẫn để đảm bảo vấn đề trật tự an toàn giao thông, đảm bảo cho việc neo đậu tại khu vực bến mới. Hiện tại các doanh nghiệp rất chấp hành chủ trương của thành phố, không có tình trạng phản đối
Xung quanh những băn khoăn hiện đang là nguyên nhân chính khiến các nhà nổi, du thuyền chưa di dời về bến mới, chiều 20/6, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, để hoàn thiện hạ tầng, xây dựng cầu dẫn tại khu vực Đầm Bảy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất hai phương án là thành phố giao cho quận Tây Hồ ứng vốn ra xây dựng hoặc cho xã hội hóa, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra xây nhưng hiện nay thành phố vẫn chưa quyết định thực hiện theo phương án nào.
Nhà nổi, du thuyền xả thải gây ô nhiễm trầm trọng môi trường Hồ Tây. Do đó, quyết định di chuyển hoạt động của nhà nổi, du thuyền ra khỏi khu vực Hồ Tây được người dân ủng hộ. Theo ông Nguyễn Đăng Tài, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, hàng ngày đi qua khu vực du thuyền, nhà nổi Hồ Tây thấy người dân vứt rác xuống hồ, gây ô nhiễm. Việc di dời , nhà nổi này ra một khu vực mới là cần thiết để trả lại vẻ phong quang, sạch đẹp cho Hồ Tây.
Sau nhiều lần di dời bến thủy Hồ Tây không thành công, lần này Hà Nội quyết tâm giải toả, di dời về bến mới. Tuy nhiên để các đơn vị du thuyền, nhà nổi có thể bắt tay ngay vào kinh doanh khi về bến mới, Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, cơ sở hạ tầng, xác định địa điểm cụ thể từng vị trí cho các đơn vị, doanh nghiệp để sớm hoàn thiện việc di dời, trả lại vẻ phong quang cho mặt nước Hồ Tây.