Theo đó, 40 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống dọc đại lộ Lê Lợi, tính từ ngã tư Lê Hoàn đến ngã tư rẽ vào khu đô thị Bình Minh và chợ đầu mối Đông Hương (thuộc 2 phường Lam Sơn và Đông Hương, thành phố Thanh Hóa) sẽ là những hộ tham gia thực hiện mô hình tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tuyến phố này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ là địa chỉ an toàn để người tiêu dùng lựa chọn thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc ẩm thực xứ Thanh.
Tham gia mô hình, chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm sẽ được tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn về việc đảm bảo các nguyên tắc trong an toàn thực phẩm, được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu đáp ứng đủ các tiêu chí đưa ra. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng được cấp phát các trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc xây dựng tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về an toàn thực phẩm là điểm nhấn trong công tác truyền thông, tiến tới xây dựng nhiều mô hình an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.