*Để chuẩn bị điều kiện tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, địa phương này đã sẵn sàng đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất với hơn 2.000 giường bệnh để phân loại, theo dõi và phòng, chống dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả.
Văn bản số 348/UBND-VX ngày 3/2/2020 của UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ, công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai được kiểm tra y tế sơ bộ và đưa về khu vực cách ly tập trung trong 14 ngày tại Trường Quân sự tỉnh để quản lý, theo dõi theo quy định. Người nào có dấu hiệu sốt hoặc nghi ngờ mắc dịch bệnh sẽ được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và khu vực cách ly tại trụ sở cũ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (đường Chiềng On, phường Bình Minh).
Khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh có gần 250 giường bệnh và nhà bạt dã chiến có thể được huy động thêm, dự kiến có thê nâng lên 1.800 giường. Bên cạnh đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và Trụ sở cũ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lào Cai sẽ bố trí khu vực cách ly, có tổng số 350 giường tại chỗ và có thể dựng thêm các lều bạt dã chiến.
Trong ngày 3/2/2020, Lào Cai đã tiếp nhận 46 công dân Việt Nam do Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu quốc tế, những người này không ho, không sốt và đã được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi, cách ly theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 2/2/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản cụ thể cho từng tình huống để tiếp nhận, phân loại đối tượng theo dõi và phòng, chống dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời, có phương án bố trí cán bộ y tế theo từng tình huống.
*Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang Cao Thành Nam cho biết, đến ngày 4/2 công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được triển khai đồng loạt. Quan trọng nhất là các dụng cụ, trang thiết bị y tế đã chuẩn bị đầy đủ.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang trang bị hai xe vận chuyển chuyên dụng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc; trang bị máy thở, trang phục chống dịch, khẩu trang, các loại liên quan dùng cho công tác phòng, chống, như hóa chất, thuốc khử trùng. Cụ thể: ngành chức năng trang bị cho tất cả 15 huyện, thành phố gồm 3.458 kg Cloramin B và 3.500.000 viên Aquatabs (khử trùng); 600 bộ trang phục chống dịch, 3.000 găng tay tiệt trùng, 400 khẩu trang, 2.304 cục xà phòng… Ngoài ra, Kiên Giang còn dự trữ khoảng hai tấn hóa chất khử trùng.
Để phòng chống dịch nCoV, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, 27 đội thường trực cơ động phản ứng nhanh và tổ kiểm tra, giám sát. Công tác phòng chống dịch bệnh tại thành phố Hà Tiên, nơi có Cửa khẩu quốc tế Xà Xía, đã chuẩn bị chu đáo, từ khu phòng khám sàng lọc đến cách ly khi có bệnh nhân bị mắc bệnh dịch. Hiện nay, tổ kiểm tra, giám sát đang có mặt tại huyện đảo Phú Quốc để kiểm tra tình hình chuẩn bị phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, Cảng hàng không Phú Quốc, Hải quân Vùng 5….
Theo bác sĩ Cao Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, phương án của Ban chỉ đạo đưa ra, khi xảy ra dịch bệnh ở biên giới Hà Tiên là đưa bệnh nhân vào Trạm Y tế phường Mỹ Đức, nếu bệnh nhân có chuyển biến nặng mới chuyển lên tuyến thành phố. Nếu dịch bệnh xảy ra ở vùng biên Giang Thành thì bệnh nhân sẽ được đưa vào Trạm Y tế xã Phú Lợi, còn nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn thì một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn sẽ được bố trí để điều trị bệnh nhân. Riêng tại các tuyến huyện còn lại bệnh nhân được điều trị ở địa bàn, không di chuyển để tránh lây lan diện rộng, trừ trường hợp bệnh nặng.
Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang hiện nay đã bố trí phòng khám sàng lọc, phòng cách ly. Ngoài việc tầm soát, sàng lọc bệnh nhân nghi có dịch bệnh, bệnh viện còn duy trì việc tuyên truyền qua loa phát thanh về dịch bệnh để mọi người biết cách phòng ngừa.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang Cao Thành Nam, ngoài Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được trực tiếp tiếp bệnh nhân nếu có dịch bệnh xảy ra thì hiện nay tỉnh còn bố trí thêm Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Tâm thần. Nếu xảy ra dịch, Kiên Giang sẽ thành lập bệnh viện dã chiến hoặc dùng tạm các trường học để tiếp nhận bệnh nhân để điều trị.
*Tính đến 10 giờ ngày 4/2, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La thuộc Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona được ghi nhận.
Hai trường hợp nghi nhiễm nCoV trước đó thì đến nay kết quả xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Đó là một bệnh nhân 21 tuổi ở xã Mường Trai (huyện Mường La) và một bệnh nhân 46 tuổi ở xã Tạ Bú (cũng thuộc huyện Mường La).
Hai bệnh này đều từ Trung Quốc trở về, có triệu chứng sốt, ho và đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để theo dõi, điều trị cách ly và lấy mẫu xét nghiệm chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Hiện tại sức khỏe của hai bệnh nhân đã ổn định.
Huyện Mường La có khoảng 5.249 người đi lao động ngoài tỉnh, trong đó có 307 người làm việc tại Trung Quốc; 183 người đã trở lại địa phương trước và trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Mường La tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Đối với các địa phương có đông người đi lao động ngoài tỉnh, đặc biệt từ Trung Quốc trở về, tỉnh Sơn La đã xây dựng nhiều tình huống phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra.