Thực hiện giãn cách xã hội ở nơi có dịch
Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ, tăng cường khả năng xét nghiệm. Còn các địa phương rà soát kỹ các đối tượng đi về từ Đà Nẵng.
“Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch”, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tái khẳng định động thái này là để các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường, đảm bảo mục tiêu kép mà Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở. Với tinh thần “thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm tiếp tục được quán triệt là “chống dịch như chống giặc”..
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng: Ổ dịch tại 3 bệnh viện ở Đà Nẵng khi dịch bùng phát đã được khoanh vùng ngay. Thủ tướng đã họp và chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra các giải pháp đồng bộ.
Ổ dịch là tổ hợp bệnh viện và dân cư sống gần khu vực đó, việc thăm thân chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế… đã được khoanh vùng và kiểm soát rất chặt chẽ.
Ngành giao thông vận tải đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, khuyến cáo người dân không có việc thì không nên đến vùng dịch vào thời điểm này.
"Quan điểm là các vùng có dịch chúng ta phải khoanh, dập ngay. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tắt", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những vùng khác không phải ổ dịch, như thôn Bùi của tỉnh Thái Bình, người ta chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội thôn này thôi. Khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm vấn đề kinh doanh, thông thương của nền kinh tế. Kinh nghiệm các nước cũng đều thực hiện chiến lược "mục tiêu kép" như chỉ đạo của Thủ tướng đã chỉ đạo ở Việt Nam.
Quyết định thực hiện giãn cách, phong toả thế nào là vấn đề rất quan trọng. Khi đỉnh cao của đỉnh dịch hồi đầu tháng 3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 (trước đó là Chỉ thị 15) thực hiện giãn cách toàn xã hội.
Về ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu, để làm sao hợp lý, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm hiện nay. Một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phản ứng rất nhanh, tạm thời dừng những hoạt động tụ tập đông người và những hoạt động chưa phải thiết yếu. Đây là những biện pháp rất tích cực của các thành phố và đây là hai thành phố rất có kinh nghiệm trong vấn đề này.
Về Chỉ thị mới của Thủ tướng: Hôm qua (2/8) Thường trực Chính phủ họp với Ban chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện thông báo kết luận của Thủ tướng. Việc công bố con vi rút đã có biến thể… cũng phải cân nhắc kỹ, chúng ta chưa công bố như vậy. Nếu công bố khi chưa có đầy đủ cơ sở thì sẽ gây ra lo ngại trong dân.
"Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng tại các cuộc họp, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng, Bộ Y tế sớm soạn thảo Chỉ thị mới của Thủ tướng. Tinh thần là chúng ta sẽ đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất, kịp thời để chủ động ứng phó và dập tắt dịch", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Đội ngũ y bác sĩ đến Đà Nẵng có rất nhiều kinh nghiệm
Bày tỏ ý kiến về ý kiến của Bí thư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm lây nhiễm trong vòng 1 tháng và đã diễn ra 2 - 2,5 chu kỳ, phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất (tức là yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà, hàng tuần cử 1 người đại diện gia đình ra ngoài mua đồ ăn, tiếp đó là người trong nhà không được đi ra ngoài nữa mà cử người khác mang đến), Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng: Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết về việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói: Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sẽ ở lại Đà Nẵng đến khi nào hết dịch thì thôi.
Trong đoàn cán bộ y tế đến Đà Nẵng có đội điều trị, đội dập dịch có rất nhiều kinh nghiệm, trong đó có các bác sỹ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai, bản thân Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng. Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt phòng chống dịch COVID-19 đợt 1 đều được đưa vào chiến dịch này.
"Chúng tôi tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch ở 3 bệnh viện tại Đà Nẵng và một số điểm ghi nhận có ca mắc tại cộng đồng. Sau đó tiến hành phong tỏa những nơi nguy cơ lây nhiễm cao", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng đính chính lại thông tin một trường hợp nhiễm dịch không phải ở Hà Nam mà quê ở Hà Nam. "Chúng tôi triển khai truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh nghi ngờ để tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu và giám sát tình hình sức khỏe đối với các bệnh nhân nghi ngờ và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để nhắn tin tất cả những người có tiếp xúc, từng đến Đà Nẵng", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Bộ Y tế đã huy động hơn 1.000 người gồm sinh viên trường y, quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Đà Nẵng với tinh thần hết sức quyết liệt. Hiện tình hình đang trong tầm kiểm soát tốt, truy vết rất quyết liệt để dịch không lây lan trên diện rộng. Hy vọng thời gian tháo gỡ tình hình này sớm.
"Về câu hỏi liên quan đến Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hướng tới cách ly tại nhà, hiện khu cách ly tập trung tương đối đông, 1 số khu quá tải, chúng tôi sẵn sàng phương án cách ly tại nhà. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án này từ lâu và được Bộ Y tế đưa ra cụ thể sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban chỉ đạo", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tại buổi họp báo.
Tăng cường quản lý xuất nhập cảnh
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Sau khi có dấu hiệu dịch COVID-19 lây lan trở lại, Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, phối hợp xử lý nhập cảnh trái phép ở các địa phương có đường mòn lối mở; xử lý vi phạm trong khu cách ly tập trung cũng như tình trạng bán hàng trục lợi liên quan đến y tế phòng dịch…
Cùng với đó, Bộ Công an đã chủ động giải pháp phòng, chống dịch trong toàn lực lượng. Về tình trạng nhập cảnh trái phép, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và có cả người Việt Nam đi làm ở nước bạn trở về nước.
“Có tình trạng này vì bên Trung Quốc cũng đang có dịch bệnh, còn Việt Nam được tuyên truyền là đất nước an toàn nên nhiều người muốn quay lại Việt Nam. Ngoài ra có người vào vì muốn đi qua Việt Nam để qua Campuchia đánh bài”, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng cho biết vừa qua nhiều địa phương đều phát hiện tình trạng này với số lượng đông lên tới hàng trăm người thì đa phần là bà con người Việt đi lao động "chui" ở Trung Quốc, khi hết việc thì bà con đi về. Vì vậy, phải có biện pháp phù hợp.
Video Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cung cấp thông tin về việc bắt giữ nhiều người thâm nhập qua biên giới:
Làn sóng COVID-19 thứ hai tác động đến kinh tế khác đợt đầu năm
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết làn sóng dịch COVID-19 lần này có điểm khác biệt với đợt đầu năm.
Ông Trần Quốc Phương cho biết: Đầu năm, Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội khoảng 20 ngày. Khi đó, hoạt động này gây ra tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng quý II đạt rất thấp với mức 0,3%. Tuy nhiên, ở đợt hai này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo không để dịch lây lan rộng.
Chính phủ chỉ áp dụng giãn cách xã hội, khoanh vùng dịch ở những địa bàn có nguy cơ; tập trung mọi lực lượng để thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định sau khi dịch bùng phát lần 2, đánh giá sơ bộ là tác động đến ngành du lịch và tận tải hành khách. Khách du lịch cả nước đã hủy tour, hủy hợp đồng, tác động đến một số ngành. Bộ KHĐT đang nghiên cứu, thu thập số liệu để đưa ra dự báo trong tình hình mới.