Qua sơ kết công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cho rằng, do một số tỉnh chủ quan trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm nên dịch bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông không tốt đã dẫn tới việc hàng nghìn hộ chăn nuôi lao đao vì người dân quay lưng lại với các sản phẩm gia cầm.
Giấu dịch vì thành tích
Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, dịch cúm gia cầm đầu năm 2014 đã xảy ra ở 155 xã, tại 90 huyện trên 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số gia cầm bị tiêu hủy là 211.000 con (gà hơn 76.000 con, chiếm 36% tổng số mắc bệnh, vịt hơn 135.000 con, chiếm 64%). Đến nay, dịch đã được khống chế, cả nước không có dịch cúm gia cầm.
Người dân phải được cung cấp thông tin đầy đủ để phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: Đình Huệ- TTXVN |
Ngày 6/5, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản các tỉnh phía Bắc, Bộ NN&PTNT cho rằng, những địa phương chủ động chống dịch, các cấp chính quyền thực sự vào cuộc thì dịch cúm gia cầm mới được xử lý nhanh, gọn.
Trong đợt dịch vừa qua, Quảng Ninh là một trong những điểm nóng trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Quảng Ninh có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc nơi dịch cúm H7N9 đang hoành hành mạnh, đồng thời Quảng Ninh phải đối phó với dịch cúm H5N1 lan rộng trong nước.
Đứng trước tình thế này, “ngay từ đầu năm 2014, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng chương trình hành động phòng chống cúm gia cầm. Theo đó, Quảng Ninh chủ động lập các chốt kiểm dịch tại các địa bàn giáp danh, tăng cường phối hợp với ngành công thương, an ninh… để chủ động ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm”, ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh cho biết.
Rút kinh nghiệm từ thực tế chống dịch, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y đưa ra kết luận: “Những tỉnh chủ động đối phó với dịch cúm gia cầm, các cấp chính quyền địa phương vào cuộc thì công tác chống dịch mới đạt hiệu quả. Những địa phương như: Khánh Hòa, Trà Vinh… lơ là, chủ quan với công tác phòng chống dịch nên đã để dịch bệnh lan tràn tại địa phương”.
Bên cạnh đó, ông Thành cho biết, nhiều địa phương, vì thành tích đã không công bố dịch, gây nhiều khó khăn cho việc khoanh vùng và tiến hành dập dịch ngay từ đầu.
Thông tin cần chính xác, đầy đủ
Trong thời gian diễn ra dịch cúm gia cầm, công tác truyền thông “thái quá” đã gây thiệt hại không nhỏ cho hàng nghìn hộ chăn nuôi. Nhiều trang trại chăn nuôi an toàn nhưng vẫn bị người dân “quay lưng” , giá gia cầm rớt thê thảm tới nay vẫn chưa phục hồi. Theo Bộ NN&PTNT, đây thực sự là một khâu yếu trong công tác phòng chống dịch trong thời gian qua.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, khi xảy ra dịch thì địa phương phải minh bạch thông tin, xã nào có dịch, huyện nào có dịch, tỉnh nào có dịch. Đồng thời, tuyên truyền tỉnh nào chưa có dịch, trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, để người dân biết và tiêu thụ sản phẩm. Không nên tuyên truyền thái quá, khiến cho nhân dân hoang mang, quay lưng lại với các sản phẩm gia cầm.
“Điều đó rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới công tác chống dịch. Vì nếu gia cầm không tiêu thụ được thì người chăn nuôi cũng rất lơ là trong công tác phòng chống dịch. Do vậy, phải tuyên truyền để nhân dân nhận thức được tình hình, không chủ quan nhưng cũng không tẩy chay sản phẩm gia cầm”, ông Đàm Xuân Thành nhấn mạnh.
Để không làm cho người dân hoang mang, ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh cho biết: “Mặt trái của công tác thông tin quá đà sẽ dẫn tới việc tiêu thụ bị ách tắc. Để giải quyết vấn đề này, Quảng Ninh đã tổ chức tuyên truyền lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, thông tin cụ thể tới nhiều vùng, kể cả vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận được thông tin chính xác, đầy đủ. Từ đó, giúp họ chủ động tiếp cận các sản phẩm gia cầm đã qua kiểm dịch. Do vậy, người dân không quay lưng lại với ngành chăn nuôi”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, quan trọng nhất là các cơ quan quản lý phải đưa ra những thông điệp chính xác, phản ánh đúng mức tình hình dịch bệnh. Không chủ quan nhưng cũng không để người tiêu dùng hoang mang. Thứ hai, các cơ quan báo chí phải góp phần vào việc đưa tin chuẩn xác, đúng liều lượng, định hướng cho người tiêu dùng không quá lo lắng và tẩy chay sản phẩm.
H.V