Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện dịch đau mắt đỏ và hiện dịch đang bùng phát mạnh hơn sau bão số 10. Các cơ sở y tế luôn có đông người đến khám bệnh, trong đó chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt Huế có khoảng 200 lượt người/ngày.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, trên thực tế số người mắt bệnh đau mắt đỏ còn cao hơn nhiều bởi đây là bệnh thường gặp nên nhiều người tự mua thuốc điều trị tại nhà. Cũng với tâm lý chủ quan, xem nhẹ căn bệnh này nên ban đầu người bệnh thường tự mua thuốc điều trị, khi có dấu hiệu bệnh không thuyên giảm hoặc nặng thêm mới đến bệnh viện khám mắt.
Theo bác sĩ Khoa Mắt Bệnh viện Trung ương Huế, nếu điều trị không đúng cách, bệnh đau mắt đỏ có thể dẫn đến hậu quả gây sẹo giác mạc, giảm thị lực lâu dài, nguy hiểm hơn có thể gây mù lòa. Do đó bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để có thể chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Trong các thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomyxin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn) và một thành phần là corticoid như dexamethazon (có tác dụng chống viêm rất tốt).
Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn tự hướng dẫn cho người khác cách dùng. Thế nhưng, theo khuyến cáo của thầy thuốc, corticoid là "con dao hai lưỡi", vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh; nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để đối phó với bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh, bệnh viện các tuyến từ tỉnh đến huyện và cơ sở đã dự trữ đủ cơ sở thuộc để điều trị cho bệnh nhân. Người bệnh nên tìm đến thầy thuốc để được hướng dẫn hoặc tư vấn cách điều trị hiệu quả, hạn chế bệnh lây lan hoặc bùng phát trên diện rộng...
Quốc Việt