Xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An vừa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, ngày 1/4, huyện Nam Đàn và xã Nam Nghĩa phối hợp cùng ngành thú y và gia đình đã tiến hành tiêu hủy 77 con lợn, tổng trọng lượng 1.913 kg của hộ gia đình ông Nguyễn Quang Ngân, xóm 10 do phát hiện lợn chết vì dịch này.
Chính quyền phối hợp với ngành thú y lập các chốt chặn, tạm đình chỉ việc giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào vùng có dịch.
Tại những nơi chưa xuất hiện dịch, Nghệ An cũng triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế, không để dịch lan rộng. Người dân được tuyên truyền không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, lợn chế ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.
Hiện Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng. Tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn; tập tục và thói quen trong chăn nuôi còn lạc hậu; mô hình nuôi chủ yếu nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Mặt khác, lực lượng thú y hạn chế về số lượng, chất lượng. Đáng chú ý, một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân giấu dịch, không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi gia súc, gia cầm bị chết không rõ nguyên nhân.
Tại tỉnh Điện Biên, sau hơn 1 tháng xuất hiện, dịch tả lợn châu Phi đã tiếp tục lan rộng và xuất hiện tại 7/10 huyện, thị xã, thành phố.
Hiện tại, tỉnh Điện Biên đã có 4 huyện công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn là Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và Tủa Chùa. Đối với các địa phương khác, cơ quan thú y vẫn đang phối hợp với chính quyền các địa phương theo dõi, giám sát và công bố dịch trên địa bàn nếu dịch lan rộng.
Các địa phương trong tỉnh Điện Biên cũng đã triển khai nhiều biện pháp để đối phó với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh.
Song song với dập dịch, phòng chống dịch lây lan, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bình tĩnh, yên tâm và không quay lưng với thịt lợn.
Cơ quan thú y khuyến cáo người dân nên nấu chín kỹ thịt lợn trước khi sử dụng; đồng thời nên mua thịt lợn ở các cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Đối với tỉnh Hải Dương, để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, ở đâu, cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực thì ở đó, dịch bệnh được khống chế tốt hơn, không lan rộng. Tại các trang trại, gia trại lớn thì hầu như không để xảy ra dịch tả lợn cho ý thức phòng chống rất tốt. Hải Dương đã phê duyệt mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, cụ thể là 32.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại và 52.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.
Tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước về tình hình dịch tả lợn châu Phi của địa phương mình và cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; không để tình trạng người chăn nuôi che giấu lợn mắc bệnh và không báo cho nhân viên thú y cơ sở.
Ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, hiện có 8 hộ dân có lợn chết ở 150 thôn thuộc 86 xã, phường, thị trấn, trên địa bàn 11/12 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 9.914 con với tổng trọng lượng là trên 600 tấn; trong đó, huyện Ninh Giang để xảy ra nhiều ổ dịch nhất với 19/28 xã, thị trấn có dịch; Tứ Kỳ có 11/27 xã, thị trấn có dịch.
Dịch bệnh xảy ra ở 150 thôn. Tuy nhiên, mỗi thôn chỉ có 1-2 hộ và chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và số lượng lợn tiêu hủy mắc bệnh, tiêu hủy chỉ chiếm số nhỏ (9.914 con/tổng đàn là 562.000 con). Chi cục Thú y tỉnh đã tiếp nhận, cung ứng 33.500 lít hóa chất tới các địa phương phục vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn phun hóa chất khử trùng tiêu độc, sử dụng vôi bột tiêu độc tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm... theo quy định.