Khi mà Internet đã là một khái niệm quá quen thuộc với các thanh niên, học sinh thành thị thì tại các vùng nông thôn nghèo khó, nơi những người dân vẫn còn phải lo chạy ăn từng bữa và áo quần chưa đủ mặc, Internet vẫn được coi là một dịch vụ xa xỉ phẩm. Chương trình phối hợp giữa VNPT và TW Đoàn TNCSHCM để đưa 62 điểm Internet Thanh niên về 62 huyện nghèo trên cả nước đã góp phần thổi một luồng gió mới vào đời sống văn hóa tinh thần của thanh thiếu niên nơi đây.
Mong muốn phổ cập Internet
Với vai trò là doanh nghiệp chủ đạo về BCVT và CNTT, từ nhiều năm qua VNPT đã luôn đi đầu trong việc phổ cập các dịch vụ BCVT trên toàn quốc, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Năm 2003, VNPT đã đưa Internet về 100% trường PTTH và cao đẳng, đại học trên cả nước. Năm 2005, VNPT đã đưa Internet về hơn 2.000 điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Năm 2009, VNPT xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình “Vườn tri thức VNPT” tại các tỉnh, thành phố. Nhiều chương trình phổ cập tin học, hướng dẫn hỗ trợ cước sử dụng Internet cũng đã được triển khai như “Một triệu giờ đồng hành”, “Tuổi trẻ VNPT nối mạng tri thức”…
Internet đến với nhiều trường học ở Thanh Hóa. |
Tháng 6/2011, VNPT và TW Đoàn TNCSHCM đã ký kết chương trình phối hợp năm 2011 và kế hoạch triển khai xây dựng thí điểm 62 điểm Internet thanh niên cho 62 huyện nghèo của cả nước. Theo đó, VNPT và TW Đoàn lựa chọn 1 trường học hoặc một ký túc xá có đủ điều kiện hạ tầng cơ bản để xây dựng điểm Internet Thanh niên với tối thiểu 6 máy tính có kết nối mạng/điểm. Tháng 9/2011, đồng loạt 62 điểm Internet Thanh niên này đã được khai trương, mở cửa phục vụ miễn phí cho thanh thiếu niên tại các huyện nghèo.
Mục tiêu của các điểm Internet thanh niên là cung cấp các dịch vụ như phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử, phổ biến kiến thức, truy cập Internet miễn phí… nhằm nâng cao kiến thức cho thanh niên thuộc các huyện nghèo, đẩy mạnh phong trào học tập, ứng dụng khoa học phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, sau hơn 7 tháng hoạt động, các điểm Internet Thanh niên đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan.
Niềm vui của thanh thiếu niên nghèo
Trường THCS Quang Hiến, huyện Lang Chánh là một trong số 7 trường của 7 huyện nghèo Thanh Hóa được lựa chọn để đặt điểm Internet Thanh niên. Còn nhớ thời điểm 7 tháng về trước, khi Internet mới bắt đầu được đưa vào sử dụng tại đây, thầy và trò vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng thực tế chỉ sau 7 tháng, theo Giám đốc VNPT Lang Chánh Bùi Ngọc Dương, việc tiếp cận sử dụng CNTT ở xã Quang Hiến đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hiệu quả giúp học sinh, thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức phục vụ học tập và cuộc sống.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường THCS Quang Hiến cho biết, trường có 200 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc, đời sống kinh tế còn khó khăn nên việc được tiếp xúc với máy tính còn nhiều hạn chế. Ngay khi khai trương điểm Internet Thanh niên, VNPT Thanh Hóa và Tỉnh Đoàn đã cử cán bộ hỗ trợ trường trong việc hướng dẫn thanh thiếu niên trong khu vực đến tìm hiểu và sử dụng Internet. Kể từ 6 chiếc máy tính có kết nối mạng ban đầu, đến nay, điểm Internet Thanh niên tại trường THCS Quang Hiến đã có 26 máy tính nối mạng, tạm đủ cho nhu cầu sử dụng của các em. Chị Lan cũng vui mừng thông báo nhờ điểm Internet Thanh niên này, nhiều em học sinh của trường đã tham gia giải Toán Olympic qua mạng và đoạt giải.
Đang trong giờ học chính khóa nên điểm Internet Thanh niên tại Trường THCS Văn Nho, huyện Bá Thước tương đối yên lặng, nhưng chỉ cần tiếng trống giờ chơi đã điểm, các em học sinh như một bầy chim líu lo ùa vào phòng máy. Em Hà Thị Hòa, học sinh lớp 9 của trường cho biết, trước khi có Internet tại trường, em chưa hề biết đến những kiến thức tin học. Nay nhờ điểm Internet Thanh niên, em đã biết sử dụng thành thạo máy tính và những tiện ích của nó, đồng thời cũng có nhiều cơ hội hơn tìm kiếm thông tin cho học tập, giải trí.
Hòa chung niềm vui được sử dụng Internet miễn phí của con em học sinh nghèo, Chủ tịch UBND xã Văn Nho Phan Minh Xuân bày tỏ mong muốn TW Đoàn TNCSHCM và VNPT sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để có thêm ngày càng nhiều các điểm Internet Thanh niên như tại trường THCS Văn Nho, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho thanh thiếu niên.
Lời kết
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ việc phối hợp và tận dụng khả năng của nhau trong thời gian qua, năm 2012, TW Đoàn TNCSHCM và VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác từ Trung ương đến địa phương với các nội dung cụ thể như: tiếp tục triển khai gói cước dành riêng cho cán bộ Đoàn của VNPT tại Trung ương Đoàn và các cấp Đoàn cơ sở theo mô hình bán hàng một cửa; phát triển thí điểm mô hình “20 địa chỉ bán hàng thanh niên” để cung cấp các dịch vụ BCVT của VNPT tại các xã nông thôn mới; phối hợp xây dựng các dịch vụ VT-CNTT của VNPT trong công tác quản lý của Đoàn, Hội ở cấp Trung ương và địa phương; nghiên cứu xây dựng các điểm VT-CNTT phục vụ cho đối tượng thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Như vậy, hoàn toàn có thể hy vọng rằng, sau điểm Internet Thanh niên tại 62 huyện nghèo, với sự nỗ lực và hợp tác tích cực từ VNPT và TW Đoàn TNCSHCM, thanh thiếu niên trên cả nước sẽ tiếp tục được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ các dịch vụ VT-CNTT.
Bài và ảnh: Xuân Lưỡng