“Điểm sáng” của Đề án 1816

“Muốn Đề án cử cán bộ chuyên môn luân chuyển từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới (Đề án 1816) đạt hiệu quả cao thì cần làm tốt công tác điều tra nhu cầu của tuyến dưới, xác định khả năng đáp ứng của tuyến trên, sau đó mới lập kế hoạch cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới”, BS Lê Văn Thà, Phó giám đốc BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang chia sẻ “bí quyết” triển khai thành công Đề án 1816.

Khớp nối chặt giữa tuyến trên và tuyến dưới

“So với một số bệnh viện (BV) tỉnh khác, việc triển khai Đề án 1816 tại BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đúng là có sự khác biệt lớn. Ngoài việc kết hợp chặt với BV tuyến TƯ, trước khi đón cán bộ TƯ về, BV đa khoa Tuyên Quang thường chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, trang thiết bị, tạo điều kiện cho những cán bộ luân phiên như tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật (gồm cả lý thuyết và thực hành)”, Ths. BS Nguyễn Trần Lâm, một cán bộ luân phiên theo Đề án 1816 của Khoa Cấp cứu, BV Tai- Mũi- Họng TƯ, cho biết.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam thực hiện chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa cho cán bộ y tế Bệnh viện huyện Phú Ninh. Ảnh: Dương Ngọc -TTXVN


Nhờ vậy trong 3 tháng qua, Ths Nguyễn Trần Lâm đã hoàn tất việc chuyển giao kỹ thuật cầm máu mũi dưới nội soi và kỹ thuật cấp cứu chấn thương Tai- Mũi- Họng, cho các BS tại BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang. “Chúng tôi cũng cùng các bác sĩ BV tỉnh tham gia hội chẩn ca bệnh khó, nhằm thông qua đó từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho anh em. Với phương thức làm việc này, tại BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang không hề có chuyện cán bộ tuyến trên làm hộ cán bộ tuyến dưới. Sau khi cán bộ tuyến trên rút về, các cán bộ tuyến dưới đều thực hiện được những kỹ thuật được chuyển giao. Do đó, chúng tôi rất tâm đắc vì mình đã hoàn thành “nghĩa vụ” 1816 với đúng nghĩa của Đề án là chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến dưới và góp phần giảm tình trạng quá tải cho BV tuyến TƯ”, Ths Nguyễn Trần Lâm hồ hởi nói.

Theo BS Lê Văn Thà, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang: “Hiệu quả triển khai Đề án 1816 tại BV không chỉ giới hạn trong chuyên ngành Tai- Mũi- Họng. Năm 2011, BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 35 cán bộ từ 7 BV TƯ (BV Phụ sản TƯ, BV Việt – Đức, BV Bạch Mai…) thuộc nhiều lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, tim mạch, hô hấp, nhi khoa… Các cán bộ luân phiên 1816 tuyến TƯ đã trực tiếp tham gia phẫu thuật 325 ca và chuyển giao cho BV đa khoa tỉnh 109 kỹ thuật (phẫu thuật nội soi mũi xoang, nội soi vi phẫu thanh quản, phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày, quy trình cắt lớp vi tính trong bệnh lý u não, chụp cắt lớp trong chấn thương bụng kín…). Đến nay, tay nghề của các cán bộ BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều BS tự tin tiến hành phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó mà trước đây đều phải chuyển lên tuyến TƯ.

“Chiến lược hai chiều”

Không chỉ chủ động tiếp nhận kỹ thuật từ các cán bộ 1816 tuyến TƯ, thời gian qua, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang rất chú trọng triển khai kế hoạch “dịch chuyển nhân lực y tế đồng bộ ở các tuyến” thông qua “chiến lược hai chiều”. Nghĩa là, BV Đa khoa Tuyên Quang còn thực hiện tốt việc luân phiên cán bộ, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề và chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến huyện.

“Thực tế, BV tuyến dưới còn nhiều khó khăn như: Cán bộ của BV tỉnh xuống huyện có khi còn thiếu chỗ ở, BV huyện thiếu nhân lực thì cán bộ của BV tỉnh buộc phải làm thay; với những đơn vị không có trang thiết bị thì BV lại phải tìm cách để hỗ trợ, lắm khi hỗ trợ từng sợi chỉ khâu…”, BS Thà cho biết.

Qua điều tra, nắm rõ thực tế của BV tuyến dưới, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị các BV huyện phải ưu tiên cho khâu đào tạo nhân lực trước tiên. Khi BV tỉnh cử cán bộ xuống thì BV huyện cũng phải cử người đi đào tạo. Sau một thời gian nhất định, số cán bộ đã được đào tạo sẽ trở về làm việc dưới sự hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” của các cán bộ BV tuyến tỉnh. “Đối với một số BV huyện, chúng tôi yêu cầu cử người đi học tại BV đa khoa tỉnh trước, sau đó chúng tôi mới cử cán bộ xuống chuyển giao kỹ thuật. Với cách làm này, sau khi trở lại huyện, cùng với kiến thức vừa mới học, kết hợp với việc được bác sĩ tuyến tỉnh hỗ trợ “cầm tay chỉ việc”, các bác sĩ tuyến huyện đã thực hiện được nhiều ca bệnh khó mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên”, BS Thà cho biết.

Với cách làm này, năm 2011, cán bộ luân phiên theo Đề án 1816 của BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV huyện như: Na Hang, Yên Hoa, Chiêm Hóa, Sơn Dương… Các cán bộ y tế tuyến huyện đã có thể triển khai được nhiều kỹ thuật như: chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp, hen phế quản, kỹ thuật đặt ống nội khí quản cấp cứu, cấp cứu ngừng tuần hoàn, sử dụng lồng ấp, vô khuẩn trong thăm khám…

“Năm 2011, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã chi 1,5 tỷ đồng cho công tác luân phiên cán bộ theo Đề án 1816, bao gồm hỗ trợ cán bộ đi luân phiên, hỗ trợ trang thiết bị cho tuyến dưới…”, BS Thà “bật mí”.

Chú trọng đầu tư trang thiết bị, đồng thời linh hoạt trong việc cử cán bộ “lên”, “xuống” nhằm nâng cao trình độ và khả năng tiếp nhận các kỹ thuật được chuyển giao…, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thực sự đã vượt qua được những thách thức nảy sinh trong quá trình triển khai và xứng đáng là một điểm sáng trong việc thực hiện Đề án 1816.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN