Chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã có nhiều nỗ lực di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét chưa được di dời đến nơi an toàn.
Theo bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá của tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh có 59 xã có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, 33 xã nguy cơ trượt lở đất đá cao và 20 xã có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình, thấp và rất thấp. Các xã này phân bổ ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và thị xã Mường Lay. 59 xã có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao được cảnh báo là không thể sinh sống.
Ông Trần Hà Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, tuy nhiên những hiện tượng thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa mưa bão. Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã tích cực chỉ đạo các địa phương kiểm đếm những hộ nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời.
Trong năm 2018, tỉnh Điện Biên được phân bổ 2 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện di dời 100 hộ ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai. Đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh đã di chuyển được 47 hộ. Con số này còn thấp so với nhu cầu thực tế mà các địa phương trong tỉnh tổng hợp lên đến gần 660 hộ. Hiện nay, nhiều dự án về di dời dân cư đang được tỉnh triển khai nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên nhiều dự án triển khai chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngành chức năng tỉnh Điện Biên đang tăng cường rà soát, kiểm đếm những hộ có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để sớm có phương án di dời.