Diễn tập ứng phó sự cố tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Sáng 6/12, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2023 với chuyên đề “Ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ tại Viện nghiên cứu hạt nhân”. Buổi diễn tập diễn ra tại Lò phản ứng hạt nhân tại thành phố Đà Lạt với sự tham gia của trên 100 người gồm nhiều lực lượng.

Chú thích ảnh
Kịch bản: Một số nguồn phóng xạ bị rơi vãi, gây nguy cơ phát tán phóng xạ ra môi trường xung quanh. 

Theo kịch bản, lúc 9 giờ 30 phút ngày 6/12, nhân viên của Viện Nghiên cứu hạt nhân vận chuyển nguồn phóng xạ hở I-131 ra xe. Ngay lúc này, tại hành lang Nhà 1 xuất hiện đám cháy lớn, còi báo động vang lên. Phát hiện sự cố, Trưởng kíp trực ra lệnh dừng Lò phản ứng khẩn cấp, ngắt các cầu dao cấp điện và báo cáo sự cố cho cấp trên.

Tuy các biện pháp xử lý sự cố cấp cơ sở nhanh chóng được triển khai nhưng do đám cháy lớn, có thể ảnh hưởng đến Lò phản ứng và nguồn phóng xạ rơi vãi nên quy trình ứng phó sự cố cấp tỉnh được kích hoạt. Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng cũng công bố nguy cơ sự cố cấp III và mức báo động cấp 3.

Chú thích ảnh
Sự cố hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến một số nguồn phóng xạ bị thất lạc.

Ngay sau đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường để khống chế đám cháy. Lực lượng y tế cũng hỗ trợ sơ cứu các nạn nhân bị thương ngay tại hiện trường. Sau khi đám cháy được dập tắt, đội kỹ thuật Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (của Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu hạt nhân) tiến hành khoanh vùng, gắn biển cảnh báo bức xạ, dò tìm, phát hiện, thu hồi và kiểm đếm nguồn phóng xạ, chuyển về vị trí an toàn.

Trong gần 1 giờ đồng hồ, các nguồn phóng xạ thất lạc được thu hồi, khu vực xảy ra sự cố cũng được thực hiện tẩy xạ môi trường để bàn giao cho lực lượng công an khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân. Trưởng Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, kết thúc ứng phó sự cố tại hiện trường.

Chú thích ảnh
Ngay sau khi quy trình ứng phó sự cố cấp tỉnh được kích hoạt, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có mặt để khống chế hỏa hoạn.

Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng khẳng định, trên địa bàn chưa có hiện tượng mất an toàn, an ninh nguồn phóng xạ đối với các cơ sở có nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ. Tuy nhiên, buổi diễn tập giúp đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của tỉnh phê duyệt so với thực tế, từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời, góp phần hoàn thiện kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.131 nguồn phóng xạ (chiếm khoảng 20,9% nguồn phóng xạ so với toàn quốc); trong đó có 243 nguồn đang sử dụng và 888 nguồn đang lưu giữ. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng có gần 200 thiết bị bức xạ đang sử dụng tại 78 cơ sở và tổ chức có sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất tại châu Âu lại ngừng hoạt động
Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất tại châu Âu lại ngừng hoạt động

Công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân TVO (Phần Lan) cho biết ngày 29/11, lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 của nước này - lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu - đã ngừng hoạt động sau một cuộc thử nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN