Cụ thể, kết quả kiểm tra ở biển Tây trên địa bàn thành phố Vị Thanh cho thấy, vào 8 giờ ngày 4/2, tại cống Kênh Lầu độ mặn đạt mức 5,6‰, còn ở cống Ba Cô (huyện Long Mỹ) độ mặn đạt mức 3,1‰.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, ngành chức năng đã đóng 3 cống hở, 17 cống tròn và huyện Long Mỹ cũng kéo xuống 43 đập thời vụ để ngăn mặn.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trước tình hình nhiễm mặn diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh từ các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn ở trung ương cũng như ở địa phương; cử cán bộ quan trắc độ mặn hàng ngày và thông tin cho tất cả các thành viên Ban Chỉ huy từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn vùng xâm nhập mặn. Ngành thủy lợi cũng sẵn sàng vận hành các công trình theo diễn biến xâm nhập mặn nhằm giữ nước ngọt và không làm ảnh hưởng việc đi lại bằng đường thủy của người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang Trần Thanh Toàn khuyến cáo người dân cần chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao, mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. Người dân không lấy nước vào đồng, vườn cây ăn trái, rau màu vào thời điểm triều cường cao; sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước. Bà con cũng cần thường xuyên thăm đồng, thăm vườn, theo dõi các bản tin diễn biến xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin để chủ động ứng phó.
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 100 cống hở, 11 cống tròn thuộc 3 hệ thống công trình thủy lợi gồm: đê bao Ô Môn - Xà No, hệ thống cống Nam Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh luôn trong tình trạng sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống xâm nhập mặn.