Đo sự hài lòng của người dân - Phiền hà thủ tục nhà đất

Trước phản ánh của dư luận trong thời gian qua về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ gây khó dễ cho người dân, Bộ Nội vụ sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đặc biệt, Bộ sẽ triển khai đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước. Báo Tin Tức xin giới thiệu loạt bài về thực trạng vấn đề này.

 

Phiền hà thủ tục nhà đất


Thủ tục hành chính vẫn được gọi một cách hài hước theo kiểu “hành là chính”. Cụm từ này giờ nghe đã quen tai bởi thực tế, cứ hễ nhắc đến thủ tục hành chính, dù đã được các cơ quan công quyền “đơn giản hóa”, là người dân lại thấy ngán ngẩm, ngại và sợ.


Muốn nhanh cứ từ từ


Có lẽ trong các thủ tục hành chính mà người dân phải làm ở cơ quan công quyền, thủ tục cấp giấy cứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là nhiều phiền phức nhất. Ông Vũ Tuấn Điệp (75 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, trước từng giữ cương vị giám đốc một doanh nghiệp nhà nước) kể cho phóng viên Tin Tức nghe về hành trình gian nan khi ông làm thủ tục xin cấp sổ đỏ.

Tác nghiệp tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh – Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: \Hoàng Hùng - TTXVN


Để hoàn thiện hồ sơ, ông Điệp và con trai mất đến 5 lần đi lại: Lần đầu tiên ra phòng địa chính hỏi thủ tục, quy trình, giấy tờ cần thiết để xin cấp sổ đỏ; lần 2 nộp hồ sơ; lần 3 lại ra để nghe cán bộ địa chính thông báo một số chỗ trong hồ sơ phải sửa; lần 4 ra bổ sung hồ sơ (đúng hẹn) nhưng không nộp được vì không có người thu; lần 5 ông Điệp mang hồ sơ ra nộp thì người làm nhiệm vụ thu hồ sơ từ chối nhận với lý do cô cán bộ này đưa ra là: “Tôi không hẹn ông nộp hồ sơ vào hôm nay”. “Tôi không hiểu tại sao trong cơ quan công quyền lại có cán bộ có thái độ hách dịch, coi thường người dân như vậy. Người dân chúng tôi phải nộp thuế để trả lương cho cán bộ, công chức; thế nhưng cuối cùng chúng tôi lại nhận được thái độ vô trách nhiệm của vị “công bộc” này” - ông Điệp bức xúc.


Ông Điệp chia sẻ thêm, đấy mới là bước nộp hồ sơ trong hành trình xin cấp sổ đỏ. Ông cũng không biết đến khi nào gia đình ông mới nhận được tấm giấy này. Ông muốn làm cho “ra ngô ra khoai” vụ “công bộc” coi thường người dân nhưng các con ông khuyên can không nên làm to chuyện vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. “Cải cách như thế nào, chứ cải cách kiểu này, với “công bộc” kiểu này, tôi e đất nước khó phát triển” - vị giám đốc về hưu này bức xúc nói.


Anh Nguyễn Đăng Vinh (37 tuổi, ở Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cũng chia sẻ với chúng tôi nỗi vất vả khi làm các thủ tục chuyển nhượng nhà. Anh Vinh cho biết, biết trước thủ tục chuyển nhượng nhà đất rất rắc rối và phức tạp, nên trước khi ra chính quyền thực hiện thủ tục giao dịch, vợ chồng anh đã lên mạng tìm kiếm một số văn bản quy định về trình tự, thủ tục mua bán nhà. Tuy nhiên, việc đọc những văn bản này không giúp được gì nhiều, thậm chí còn khiến anh rối thêm. Giải pháp mà anh đưa ra: Nhờ văn phòng luật sư tư vấn và giải pháp này xem chừng khá ổn. “Mất một khoản chi phí cho luật sư nhưng mình thấy yên tâm hơn. Hồ sơ hợp lệ, mình lại được tư vấn luật nên không sợ bị gây khó dễ” - anh Vinh chia sẻ.


Muốn nhanh, mất phí cho “cò”


Nói chung, nhiều người dân hiện vẫn chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn của các văn phòng luật sư khi làm các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền; mà chọn giải pháp tự đi làm hoặc nhờ qua “cò”. Tiến sĩ luật Đỗ Đức Hồng Hà (Bộ Tư pháp) cho biết, có rất ít người dân sử dụng dịch vụ tư vấn về lĩnh vực đất đai tại văn phòng luật. Không ít người vẫn chọn “cò” làm người tư vấn, tuy nhiên, phí dịch vụ phải trả cho cò không hề nhỏ. Một cò đất tên D. ở khu vực Gia Lâm cho biết: “Nếu tự đi làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ, trường hợp có mọi giấy tờ hợp lệ, đất không có tranh chấp, thời gian từ lúc bắt đầu nộp hồ sơ đến lúc cầm được sổ đỏ nhanh cũng phải 3 tháng mà nhiều thì có khi lên tới 7 - 8 tháng. Thế nhưng, nếu qua chị, thời gian sẽ được rút ngắn đi rất nhiều”, bà D. tuyên bố.


Tuy nhiên, cái giá mà gia chủ phải trả cho “cò” không hề rẻ, từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng tùy vị trí, tình trạng, nguồn gốc và diện tích đất. Anh V.C.Đ (37 tuổi, công chức ở Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang chuẩn bị làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho một mảnh đất 100 m2 tại một huyện ngoại thành. Thủ tục khá rắc rối vì nguồn gốc đất là đất vườn, nay muốn chuyển sang đất thổ cư. Anh Đ. đã gặp một “cò” đất và nhận được câu trả lời: “Đúng 100 triệu đồng. Không bớt”. Anh Đ. tính toán: “Với hệ số lương 3,66, mỗi tháng lương được trên 4,2 triệu đồng (sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Như vậy, tiền lương trong một năm của tôi chỉ vào khoảng 50 triệu đồng. Nếu chấp nhận làm qua ‘cò’, tôi sẽ mất không hai năm tiền lương. Tôi quyết định tự mình đi làm, dù biết thủ tục sẽ rất phiền hà, rắc rối”.


Phương Huyền

 

Đón đọc kỳ sau: Mong thủ tục đơn giản

Từ Liêm lên quận: Dân ùn ùn làm thủ tục hành chính
Từ Liêm lên quận: Dân ùn ùn làm thủ tục hành chính

Hơn một tuần nữa, huyện Từ Liêm chính thức được tách thành 2 quận mới của Hà Nội. Với tâm lý lo ngại huyện lên quận, giấy tờ sẽ phức tạp hơn, nên những ngày này người dân đi làm thủ tục nhà đất, cấp phép kinh doanh tăng đột biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN