Sau lễ phát lệnh đóng đập dâng nước lòng hồ của công tỉnh Thủy điện Sơn La ngày 15/5/2010, Mường Lay đã trở thành khu đô thị có vị trí đẹp nhất cả nước, với những khu nhà sàn gỗ mang đậm bản sắc dân tộc Thái, soi bóng xuống lòng hồ thủy điện giữa lòng thị xã.
Đẹp và thơ mộng vậy, song Mường Lay cũng phải đối mặt với một thách thức lớn là giữ môi trường sinh thái lòng hồ trong lành để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, một hệ thống các công trình nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đã được xây dựng, đi vào vận hành trên toàn bộ các tuyến phố của khu đô thị này.
Một góc thị xã Mường Lay bên bên bờ sông Đà. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Để thực hiện nhiệm vụ này, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức xây dựng 5 trạm xử lý nước thải tại các khu dân cư Đồi Cao, Nậm Cản, Cơ Khí và Chi Luông, với tổng mức đầu tư trên 95 tỷ đồng. Cho đến tháng 7/2016, 4/5 trạm xử lý nước thải này đã đi vào vận hành ổn định, thu gom hầu hết lượng nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, xử lý thành dạng nước đủ tiêu chuẩn an toàn để xả ra môi trường.
Anh Nguyễn Ngọc Hưng, Đội trưởng Đội quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải này cho biết: Hệ thống do Đội vận hành được thiết kế theo công nghệ hiện đại. Nước thải sinh hoạt thu gom từ hệ thống thoát nước của từng hộ gia đình, được bơm lên hệ thống các bể lắng, bể vi sinh Aeroten, cùng với lượng hóa chất xử lý được pha trộn bằng các thiết bị hiện đại, sau khi đạt tiêu chuẩn quy định mới xả ra môi trường. Với công xuất thiết kế để xử lý 2.350m3/ngày đêm, hiện tại các trạm này vận hành 70% công xuất thiết kế trong mùa khô, 100% công suất trong mùa mưa do phải xử lý thêm cả nước thải mặt đường, vận hành 3 ca liên tục trong một ngày đêm…
Đến với thị xã Mường Lay, những năm nước hồ thủy điện mới dâng, nhiều người đều cảm nhận được vẻ đẹp bình yên, thơ mộng nơi phố núi trên bến dưới thuyền này, song cũng không khỏi khó chịu khi nhận ra dưới làn nước mênh mông kia, đôi chỗ vẫn nổi lên lớp váng bẩn, kèm theo mùi hôi khó chịu của nước thải. Nhưng đầu năm 2017 này, đến với Lễ hội đua thuyền đầu năm, du khách đã thực sự bằng lòng bởi vẻ đẹp trọn vẹn của vùng đất sơn thủy hữu tình này.
Cầu Cơ Khí, bắc qua sông Đà vào thị xã Mường Lay. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Nói về cảm nhận của mình, ông Điêu Văn Châu, 60 tuổi, Bí thư chi bộ bản Xá, thị xã Mường Lay, chia sẻ: Ngày trước khi nước mới dâng, dân bản thấy vui lắm, vì từ giờ có thể xuống thuyền đi đánh cá, vớt củi, hay đi làm ăn bằng thuyền đậu ngay cạnh bản. Nhưng sau một thời gian, thấy nước hồ cứ nổi váng lên hôi thối, cũng thấy buồn. Nay có nhà máy xử lý nước thải, hồ đã trong sạch, mọi người rất phấn khởi; chỉ mong sớm có giải pháp để giảm bớt tiếng ồn trong những nhà máy nằm cạnh khu dân cư.
Vào thăm trạm xử lý nước thải Chi Luông, nơi có phòng hóa nghiệm của Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên - đơn vị điều hành hệ thống này, gặp chị Nguyễn Thị Lục đang kiểm nghiệm mẫu nước đầu vào, đầu ra của các trạm. Chị Lục tâm sự: Công việc hàng ngày của một nhân viên hóa nghiệm là đi tới tất cả các Trạm, lấy mẫu nước thải đầu vào, đầu ra, tiến hành kiểm tra độ PH, ô xi hòa tan, độ dẫn điện của nước… Việc kiểm soát đầu ra của nước thải được tiến hành nghiêm ngặt, nếu có dấu hiệu chưa đảm bảo độ an toàn, trạm xử lý nước thải đó sẽ phải điều chỉnh lại quy trình vận hành, kiểm tra lại lượng hóa chất, vi sinh để đảm bảo nước thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn quy định…
Đến thời điểm này, Phòng Quản lý đô thị thị xã Mường Lay đã nhận bàn giao, đưa vào sử dụng 4 trạm xử lý nước thải do Ban quản lý Tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Riêng trạm Nậm Cản do Ban quản lý dự án thị xã thực hiện, do hệ thống đấu nối đường thu gom nước tại 3 cụm dân cư trong khu vực, các hộ dân lắp đặt chưa đúng thiết kế nên chưa đưa vào hoạt động. Đơn vị chủ quản đang phối hợp với chính quyền địa phương cùng các hộ trong khu vực thiết kế lại tuyến ống thu gom từ mỗi hộ, đảm bảo trong thời gian sớm nhất, toàn bộ lượng nước thải của thị xã sẽ được xử lý.
Thị xã Mường Lay, đô thị trẻ vốn nổi tiếng với các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như “Nghệ thuật Xòe Thái”, “Lễ Kin Pang Then”. Đặc biệt, Lễ hội đua thuyền đầu năm cùa dân tộc Thái trắng, đã thất truyền hàng chục năm, nay được phục dựng khi nước hồ thủy điện dâng lên giữa lòng thị xã. Với hệ thống xử lý nước thải hiện đại mà địa phương này đầu tư, hy vọng lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ mãi là nguồn nước trong lành, để các hoạt động văn hóa xã hội, nhất là ngành du lịch sông nước trên địa bàn có cơ hội phát triển bền vững.