Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, những năm qua, tổ chức đoàn đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động để hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế.
Đa dạng hình thức hỗ trợ thanh niên
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, lập nhiều mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn, hỗ trợ vay vốn, tôn vinh kịp thời các nhân tố thành công... là những biện pháp chính đang được tổ chức đoàn thực hiện.
Trang bị kỹ thuật, lập tổ liên kết
Nhằm trang bị cho thanh niên nông thôn những phương pháp sản xuất mới, phù hợp để góp phần tăng năng suất, thu nhập, Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn) hàng năm tổ chức tập huấn cho 4.000 - 5.000 thanh niên về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đoàn Thanh niên đóng vai trò là cầu nối, mời các chuyên gia của các ngành chuyên môn về giảng dạy cho thanh niên. Đối tượng tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ dành riêng cho thanh niên mà có lớp còn tập huấn cho toàn bộ bà con nông dân trong xã. Đồng thời với chương trình tập huấn, học viên còn được tham quan các mô hình thành công, từ đó thôi thúc họ có niềm tin và động lực để nghĩ ra các cách làm mới, riêng của mình. Hình thức tư vấn hiện nay đa dạng hơn thông qua cả website thanhgiong.vn, qua kênh phát thanh, truyền hình...
Tôn vinh “nhân tố” thành công Cùng với các chương trình hỗ trợ, việc biểu dương gương thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi cũng là một hoạt động được tổ chức Đoàn coi trọng nhằm lan tỏa những bài học thành công trong lớp trẻ nông thôn. Từ năm 2010, cứ 2 năm một lần, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Festival thanh niên nông thôn vào mỗi dịp 26/3. Đây là cơ hội cho thanh niên làng nghề quảng bá sản phẩm, gặp gỡ và học hỏi những bạn trẻ các nơi làm kinh tế giỏi. Không chỉ Hà Nội, việc tôn vinh những gương mặt thanh niên làm giàu trên chính quê hương được thực hiện ở nhiều địa phương. Riêng ở cấp Trung ương, giải thưởng Lương Định Của biểu dương những gương thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi hàng năm chính là một hoạt động có ý nghĩa động viên, khích lệ lớn đối với các bạn trẻ. Những hoạt động của đoàn giúp tạo dựng hình ảnh một lớp thanh niên làm giàu trên chính quê hương. Những nhân tố thành công đó sẽ có tác động mạnh, có sức thuyết phục và lôi cuốn thanh niên đi làm lao động phổ thông ở các khu công nghiệp trở về lập nghiệp trên quê hương. |
Cũng trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nhiều dự án sản xuất những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế đối với thanh niên nông thôn cũng đã được thực hiện. Trước năm 2000, các dự án chủ yếu đưa các giống cây ngắn ngày như ngô, lúa chất lượng cao về cho các địa phương làm thí điểm. Còn hiện nay, để tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế lâu dài giúp người dân thoát nghèo bền vững, các dự án chuyển sang chọn các giống cây ăn quả giá trị cao.
Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm Trung tâm thường triển khai thực hiện 1 đến 2 mô hình điểm. Năm 2009, chọn 50 hộ gia đình của một xã ở Nghệ An để hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây cao su. Dự án hỗ trợ trong 1 năm. Hiện nay, các hộ và thanh niên vẫn đang tiếp tục duy trì và phát triển. Năm 2010, Trung ương Đoàn hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển thủy sản nuôi cá dầm xanh cho 20 hộ gia đình thanh niên ở xã Mai Hịch - huyện Mai Châu - Hòa Bình. Năm 2011, Trung tâm triển khai dự án đưa giống bưởi Diễn về trồng ở Phú Thọ, bước đầu chọn 100 gia đình làm thí điểm...
“Đây đều là những dự án do Nhà nước rót vốn đầu tư trong 1 năm. Các dự án này tập trung trang bị kiến thức, kỹ thuật, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức cho thanh niên địa phương, giúp thanh niên nông thôn mạnh dạn làm ăn”, anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn khẳng định.
Cũng theo anh Hà Văn Chung, hướng hỗ trợ của Đoàn cho thanh niên nông thôn là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm.
Giúp thanh niên tiếp cận vốn
Trong những ngày đầu thành lập xưởng đồ gỗ mỹ nghệ, anh Lương Văn Trung (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã được Huyện đoàn Phú Xuyên hướng dẫn vay 150 triệu đồng thông qua tổ tiết kiệm vay vốn của tổ chức đoàn thanh niên. Số tiền 150 triệu đồng vay tuy không lớn nhưng đã giúp anh thuận lợi bước đầu trong lập nghiệp.
Hiện nay, cả nước có trên 20.000 tổ tiết kiệm vay vốn của Đoàn Thanh niên, đang quản lý trên 9.500 tỷ đồng cho trên 600.000 hộ gia đình có thanh niên vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho nhiều đối tượng thanh niên.
Tuy vậy, theo Trung ương Đoàn, thiếu vốn để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp vẫn là chuyện nan giải. Nguồn vốn Nhà nước cho vay vẫn còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ giải quyết được nhu cầu cho một số đối tượng chính sách, còn thanh niên không phải diện hộ nghèo và đối tượng chính sách thì rất khó tiếp cận. Mặc dù hiện nay, đoàn thanh niên nhiều nơi có thể đứng ra bảo lãnh để giúp thanh niên vay vốn của các ngân hàng thương mại nhưng nhìn chung, các bạn trẻ cũng rất khó đáp ứng được những điều kiện vay vốn. “Lúc khó khăn, ngân hàng không cho vay. Đến lúc thành đạt rồi, ngân hàng lại chủ động tìm đến, tạo điều kiện để cho vay”, anh Hà Văn Chung nêu thực tế.
Vì thế, bên cạnh đứng ra nhận ủy thác cho vay từ các chương trình của Nhà nước, tại nhiều địa phương, đoàn thanh niên thành lập các tổ thanh niên tự hùn vốn để giúp nhau. Chẳng hạn, ở Đồng Tháp, mô hình chi, tổ hùn vốn giúp nhau lập nghiệp vẫn luôn duy trì phát triển và được đông đảo hội viên, thanh niên hưởng ứng tham gia. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập trên 500 tổ hùn vốn với tổng số vốn là trên 7 tỷ đồng, giúp trên 8.500 thanh niên có vốn sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn vay và các kiến thức KHKT, nhiều đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, xuất hiện nhiều gương sản xuất kinh doanh giỏi.
Mạnh Minh