Đoàn thanh niên phối hợp với Công an các tỉnh Tây Nam bộ

Ngày 9/1, Đoàn thanh niên Bộ Công an phối hợp Công an và Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ tổ chức sơ kết chương trình phối hợp tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Bí thư Trung ương đoàn Lê Quốc Phong trao tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn cho các tập thể, cá nhân.

Tại hội nghị, Đoàn thanh niên và Công an các tỉnh trong khu vực đã nêu lên những cách làm hiệu quả trong việc giáo dục thanh niên tại địa phương cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực.

Theo Thiếu tá Đinh Văn Hảo, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công an, qua một năm thực hiện phối hợp, Đoàn thanh niên, Công an các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ đã có những mô hình, giải pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự cũng như các hoạt động vì cộng đồng phát huy hiệu quả tại địa phương.

Nhiều địa phương duy trì hoạt động có hiệu quả "đội thanh niên xung kích an ninh", mô hình "thanh niên xung kích tham gia phòng, chống tội phạm", các câu lạc bộ "tuổi trẻ pháp luật", "thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin". Đoàn thanh niên các cấp cũng đã phối hợp với công an duy trì hiệu quả "hòm thư tố giác", cam kết thực hiện "3 không phòng, chống ma túy" trong thanh thiếu niên.

Đại diện Tỉnh đoàn Bạc Liêu chia sẻ trong việc phối hợp với Công an tỉnh thành lập các câu lạc bộ hoàn lương nhằm hỗ trợ thanh niên sau khi cai nghiện, thanh niên chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, mỗi đoàn cơ sở từ cấp xã trở lên nhận hỗ trợ ít nhất một thanh niên hoàn lương hoặc phối hợp với các đoàn thể địa phương hỗ trợ, giáo dục pháp luật. Các giải pháp này đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy tại địa phương, nhất là trong đối tượng thanh niên.

Tỉnh đoàn Kiên Giang phối hợp với Công an tỉnh thành lập mô hình hỗ trợ thanh niên chậm tiến, 12 câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin, thực hiện việc giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến, thanh niên chấp hành xong án phạt trở về địa phương được tư vấn tâm lý để hòa nhập cộng đồng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình.

Việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục thanh niên chậm tiến, thanh niên chấp hành xong án phạt tại Kiên Giang có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an, Tỉnh đoàn và các đoàn thể, trong đó lực lượng công an được phân công mời thanh niên đến địa điểm tuyên truyền, đoàn thể thực hiện việc tiếp xúc, tuyên truyền, giáo dục.

Tỉnh đoàn Kiên Giang còn chú trọng việc tuyên truyền xóa bỏ kì thị đối với thanh niên đã cai nghiện, thanh niên chấp hành xong án phạt tù, tạo mọi điều kiện thuận lợi về việc làm để giúp thanh niên sớm hòa nhập cộng đồng.

Là tỉnh giáp biên giới, địa bàn trọng điểm về phòng chống tệ nạn xã hội, Tỉnh đoàn An Giang đã phối hợp với Công an tỉnh thực hiện các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên chấp hành xong an phạt tù.

Việc đầu tiên là phối hợp nắm bắt đầy đủ danh sách thanh niên chậm tiến, thanh niên chấp hành xong án phạt tù để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, từ đó tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, có sự kết hợp giữa công an, chính quyền địa phương, đoàn thể, đoàn thanh niên và gia đình của thanh niên để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ.

Tin, ảnh: Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)
Phát huy lợi thế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ
Phát huy lợi thế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ

Thực hiện chính sách đồng bộ, đầu tư hơn nữa cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm phát huy tối đa lợi thế vùng trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội là niềm mong mỏi và cũng là tâm huyết của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN