Đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên):Mong có khu kinh tế thương mại du lịch tổng hợpChính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới luôn được Đảng, Nhà nước ban hành bổ sung phát triển và lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư thực hiện từ hàng chục năm nay. Kết quả đạt được từ thực hiện chính sách này là rất lớn. Nhờ đó kinh tế - xã hội vùng này từng bước phát triển. Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc dần được cải thiện.
Đường Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang – TTXVN |
Tuy vậy, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là vùng Tây Bắc vẫn là vùng kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khó khăn nhất, yếu kém nhất. Khoảng cách phát triển giữa vùng này với cả nước ngày càng lớn. Bình quân tổng sản phẩm trên đầu người của khu vực chỉ khoảng 50% cả nước. Người nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tới 50% tổng số người nghèo của cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này có cả khách quan và chủ quan.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu các báo cáo dự kiến kế hoạch năm 2016 và thời kỳ 2016 - 2020, dù có nhiều chính sách, nguồn lực đầu tư hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng biên giới nhưng chưa thấy có tính đột phá, quyết liệt, tấn công vào những lô cốt, boong ke của đói nghèo. Cần phải có giải pháp mạnh về đầu tư, hình thành nhân tố đầu tàu của từng vùng, từng khu vực như kiểu khu kinh tế Dung Quất, Vân Phong, Vũng Áng v.v...
Riêng vùng Tây Bắc, tôi mạnh dạn đề xuất ý tưởng là Nhà nước cần lập một dự án ở tầm quốc gia để đầu tư hình thành một khu kinh tế thương mại du lịch tổng hợp, để trở thành trung tâm của tiểu vùng quốc tế bao gồm vùng Tây Bắc Việt Nam, các tỉnh Bắc Lào, một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan... Đây là vùng kém phát triển của các nước, nên tiềm năng tăng trưởng còn lớn, có nét văn hóa tương đồng đã và đang hình thành mối liên hết ngày càng rõ nét. Như vậy, vùng này sẽ gỡ thế biệt lập của vùng Tây Bắc đối với các vùng phát triển khác của đất nước và trở thành cầu nối các vùng kinh tế nội địa với tiểu vùng quốc tế nêu trên.
Ý tưởng này còn sơ sài, nhưng là cả tâm huyết, ước mong thường trực của tôi đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Tôi nghĩ đây cũng là kết quả bước đầu cố gắng suy nghĩ tìm tòi theo sự trăn trở của đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi xem xét, phê duyệt báo cáo trình đại hội của Đảng bộ tỉnh Điện Biên đó là: Nhà nước cần có một cái gì đó, một dự án gì đó đủ tác động đột biến cho sự phát triển của Điện Biên cũng như khu vực Tây Bắc.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông): Thực hiện 3 đột phá ở Tây NguyênGhi nhận những ý kiến phản ánh của cử tri, tổng hợp theo hướng thực hiện 3 đột phá chiến lược tại khu vực Tây Nguyên, tôi cho rằng có một số nội dung Chính phủ cần quan tâm sâu sắc hơn để có những chính sách hợp lý.
Sau 2 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực. Hơn 60% diện tích lúa ở tỉnh Kiên Giang được thu hoạch bằng cơ giới. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Về thực hiện đột phá thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Ở khu vực Tây Nguyên đồng ý là có những tiến bộ hơn so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, tốc độ phát triển về lĩnh vực đột phá này vẫn còn chậm, không đồng đều và tồn tại nhiều yếu kém điển hình về các vấn đề sau: Thị trường vận hành không đồng bộ, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp luôn mất cân đối, hiện tượng được mùa mất giá triền miên xảy ra, thiệt hại cuối cùng vẫn do người nông dân gánh chịu; Môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện, chưa thu hút được các ngành công nghiệp chế biến nông sản mặc dù đây là vùng cung cấp nguyên liệu nông sản lớn nhất nước về cà phê, tiêu và một số mặt hàng nông sản khác; Không có sự gắn kết trong liên kết chuỗi giá trị, mạnh ai người nấy làm. Nông nghiệp phát triển lớn mạnh hơn trước nhưng còn mang nặng tính tự phát không bền vững, tỷ trọng giá trị thu nhập từ công nghiệp, dịch vụ vẫn còn thấp, tăng chậm...
Về thực hiện đột phá thứ hai, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điểm trăn trở nhất về kết quả thực hiện chủ trương chính sách phát triển nguồn nhân lực chính là khó thực hiện đạt được mục tiêu phát triển và ổn định nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là ở tỉnh mới kinh tế chưa phát triển như Đắk Nông.
Có thể nói hệ thống thể chế pháp luật, cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực và mạng lưới giáo dục, y tế đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội nhưng đầu tư về cơ sở vật chất và chính sách đãi ngộ vẫn còn hạn chế. Hiện tượng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có đầy đủ bác sỹ hoặc không có bác sỹ giỏi tại các bệnh viện vẫn còn phổ biến. Thiết nghĩ Chính phủ cần nghiên cứu và có chính sách thu hút mạnh mẽ nhân lực về các vùng nông nghiệp, nông thôn nói chung, địa bàn Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng.
Tôi xin nhấn mạnh thêm, ở đây rất cần phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao, không vì tăng trưởng số lượng nhân lực mà trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng phải hạ chuẩn. Trên thực tế công tác tuyển sinh, tuyển dụng đối với các vùng khó khăn nói chung trong đó có Tây Nguyên, Đắk Nông đã thực hiện hạ chuẩn như cộng điểm ưu tiên hoặc đào tạo bằng hình thức cử tuyển, công tác tuyển dụng nhiều năm không tuyển được người giỏi vào làm việc v.v..., làm cho mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực ở các vùng này có sự khác biệt theo hướng ngày càng thấp hơn so với các vùng khác trong nước.
Về thực hiện đột phá thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Thực tế về giao thông hiện nay cho thấy việc xây dựng, chỉnh trang đã thực hiện trên quốc lộ 14 có thể gọi là tạm thời đáp ứng nhu cầu thông thương giữa một vùng kinh tế đầy tiềm năng có vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế của cả nước. Xin nhấn mạnh cụm từ "Tạm thời đáp ứng nhu cầu", bởi vì hiện nay mặt đường quốc lộ 14 vẫn còn quá chật hẹp, phương tiện lưu lượng giao thông khá nhiều, nhiều phương tiện có tải trọng lớn, cồng kềnh tốc độ di chuyển thấp vì có quá nhiều đoạn đường quanh co. Đã đến lúc Chính phủ cần nghiên cứu và có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết bài toán về giao thông tại khu vực Tây Nguyên có thể làm đồng bộ nhiều loại hình, nhiều cấp độ nhưng cần tập trung xây dựng đường sắt nối với cảng biển Nam Trung Bộ, xây dựng đường cao tốc nối liền Tây Nguyên với tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang): Cần chính sách nông nghiệp đặc biệt cho ĐBSCLVùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng chiếm trên 50% diện tích lúa của cả nước và cũng cung cấp trên 50% sản lượng lúa, cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu. 71% diện tích nuôi trồng thủy sản nằm ở vùng này cũng như là khoảng trên 50% xuất khẩu thủy sản được cung cấp từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vùng này đã phát triển tương xứng với tiềm năng của nó hay chưa thì có thể nói là chưa. Vì vậy, tôi đề nghị có 3 vấn đề để có thể thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng trong đó cốt lõi là hạ tầng giao thông thì hiện nay đang thực hiện tốt và tôi đề nghị dự án kết nối giao thông kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông cần được đẩy nhanh ở các dự án thành phần.
Thứ hai, đây là vùng rất đáng thực hiện một chính sách nông nghiệp đặc biệt, đặc thù, thống nhất bởi vì nó có những đặc điểm để chúng ta áp dụng những chính sách đột phá về phát triển nông nghiệp, từ mô hình tổ chức sản xuất cho đến quản lý thị trường và ngay trong thực tiễn đã có những mô hình như vậy, như mô hình cánh đồng lớn cần được nhân rộng và có thể áp dụng rộng rãi.
Thứ ba, chúng ta đang cần một thiết chế quản trị phát triển vùng. Tôi đề nghị bên cạnh ban chỉ đạo hoặc trên cơ sở ban chỉ đạo phải có một ban quản trị phát triển vùng hoặc hội đồng phát triển vùng thì chúng ta mới giải quyết được những vấn đề chung của phát triển vùng và có rất nhiều những vấn đề chỉ ở cấp vùng mới có thể giải quyết được.
Cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng
Theo đại biểu Thào Hồng Sơn (Hà Giang), Hiến pháp năm 2013 tuy không phân định các đơn vị hành chính nước chia thành vùng, nước chia thành Tây, nhưng thực tiễn ở Việt Nam trải qua nhiều thời gian cho thấy vùng là một khái niệm tương đối phổ biến, tùy theo từng thời kỳ Việt Nam được chia tách theo nhiều cách khác nhau, hầu hết đều dựa vào sự khác biệt về địa lý và địa kinh tế mà phân chia.
Hiện nay toàn lãnh thổ Việt Nam được phân chia thành 3 Tây và 6 vùng kinh tế - xã hội gồm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Vùng thì có vùng trung du, miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 399 ngày 19/2/2013, có một nội dung quan trọng được đề cập trong đề án, đó là phát huy lợi thế từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý.
“Tuy nhiên, chưa có sự phân định rạch ròi và sự gắn kết hữu cơ phát triển giữa các vùng kinh tế trọng điểm cũng như các vùng kinh tế khó khăn nhất là miền núi, biên giới, hải đảo mà sau 3 năm tái cơ cấu nền kinh tế đã có tác dụng tích cực như thế nào vào việc đóng góp tăng trưởng GDP của cả nước là bao nhiêu phần trăm. Vấn đề đầu tư phát triển cho từng vùng kinh tế chiếm tỷ trọng bao nhiêu”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Do đó, cần có sự gắn kết giữa các vùng, trên cơ sở đó có định hướng hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp để phát huy lợi thế của từng vùng chuyển đổi và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý đa dạng về ngành nghề và trình độ phát triển. Tăng cường sự phối hợp liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để tạo không gian cùng phát triển thống nhất theo quy hoạch, nhằm khắc phục đầu tư trùng lặp. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực lôi kéo và lan tỏa phát triển đến các vùng kinh tế phát triển thấp và cho cả nền kinh tế theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng để lấy quy hoạch vùng làm cơ sở thống nhất quản lý phát triển quy mô toàn bộ nền kinh tế vùng và liên vùng, sớm xây dựng và thể chế hóa, cơ chế điều phối liên kết vùng và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong vùng. Cùng với đó các kỳ họp của Quốc hội của nhiệm kỳ tới báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội hàng năm phải được thiết kế một mục đậm nét riêng để đánh giá làm rõ hơn tác động chuyển đổi và hình thành cơ cấu tăng trưởng của từng vùng kinh tế trong cả nước để có lợi thế so sánh hợp tác phát triển”, đại biểu Sơn đề xuất.
X.P (lược ghi) |