Để xứng với tầm vóc đó, trên 1,4 triệu đoàn viên Công đoàn đã và đang làm việc liên tục ngày đêm trên các công trình, nhà máy xí nghiệp, cơ quan, đơn vị; qua đó, thúc đẩy phong trào công nhân viên chức lao động nỗ lực, phát huy sáng tạo, tích cực thi đua lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 2 bài viết với chủ đề "Đoàn viên Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực vượt khó", phản ánh công nhân lao động Thành phố thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo phục hồi kinh tế.
Bài 1: Lan tỏa phong trào thi đua
Trong những năm qua, hoạt động Công đoàn tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn gắn liền với các phong trào “Thi đua yêu nước”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, thu hút đông đảo công nhân, viên chức, người lao động tham gia. Nhiều hoạt động Công đoàn hướng tới mục tiêu “Năng suất - chất lượng - hiệu quả cao - đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” đã thu được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hiệu quả từ hoạt động vinh danh
Tại Bệnh viện Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, điển hình trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là anh Cao Thanh Tâm, nhân viên công nghệ thông tin đã có sáng kiến "Tạo kho cơ sở dữ liệu văn bản thành giọng nói". Sáng kiến của anh Tâm được nhiều người trong đơn vị biết đến bởi đang được triển khai tại 12 phòng khám của 5 khoa tại Bệnh viện; giúp các nhân viên, y, bác sỹ tiết kiệm thời gian, giữ gìn sức khỏe phục vụ bệnh nhân. Sáng kiến vừa được Liên đoàn Lao động Quận 1 trao Giải thưởng Lưu Chí Hiếu năm 2023.
Anh Tâm cho biết, trong quá trình làm việc, các nhân viên, y, bác sỹ thực hiện các thao tác nhập dữ liệu thủ công vừa mất nhiều thời gian, công sức mà còn khiến người bệnh phải chờ đợi. Nhận thấy có khả năng cải tiến từ ứng dụng giọng nói chuyển thành văn bản trên các thiết bị điện tử thông minh, anh Tâm đã bắt tay vào nghiên cứu. Sau thời gian dài thực nghiệm, bước đầu ứng dụng đã chạy ổn định.
Theo anh Tâm, ứng dụng phần mềm tạo kho cơ sở dữ liệu văn bản thành giọng nói không hẳn là mới nhưng việc làm này đã giúp Bệnh viện tiết kiệm bình quân 520 triệu đồng/năm. Hơn hết, ý tưởng này mang lại nhiều tiện ích cho các nhân viên, y, bác sỹ và cả người bệnh; giúp công việc tại đây được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo việc khám và điều trị cho người bệnh hiệu quả, chất lượng.
Tương tự, “Xây dựng dữ liệu, tổ chức thi kết thúc môn học ngành, nghề trình độ Trung cấp trên phần mềm thi trắc nghiệm” của thầy Trần Mộng Danh, Trưởng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (Quận 5) là một trong những sáng kiến chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp vừa được Liên đoàn Lao động Quận 5 trao Giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2023.
Để hình thành sáng kiến, thầy Danh phân tích dựa trên sĩ số học sinh và tổng số bộ môn thi cho thấy không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn mất nhiều công sức của các thầy, cô giáo. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thầy thấy có thể kết nối thông qua ứng dụng công nghệ nên đã phát triển phần mềm thi trắc nghiệm. Thầy Danh cùng các giáo viên bộ môn đã tập hợp, xây dựng kho dữ liệu, cập nhật và hiệu chỉnh phù hợp cho học sinh thi theo hình thức online.
Sáng kiến của thầy Danh được Ban Giám hiệu trường đánh giá cao bởi tiết kiệm chi phí, độ chính xác cao, khả năng sai sót trong quá trình chấm bài thấp. Ưu điểm của sáng kiến là sau khi nhập liệu, toàn bộ quy trình được tự động hóa từ khâu soạn đề, tổ chức thi và cả khi chấm điểm được thực hiện khoa học, đồng bộ…
Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 5 ghi nhận, hầu hết các sáng kiến đoạt Giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2023 đều mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả thiết thực cho đơn vị. Xét và trao giải thưởng hàng năm là dịp để tuyên dương, khen thưởng, tạo động lực, thúc đẩy phòng trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Đây còn là dịp để động viên người lao động tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích cho đơn vị, doanh nghiệp.
Giải thưởng Trần Văn Kiểu qua 20 năm thực hiện (2003 - 2023), đã vinh danh 149 gương điển hình; Giải thưởng Lưu Chí Hiếu qua 12 năm (2011 - 2023) cũng đã tuyên dương 41 đoàn viên, công nhân viên chức lao động có đóng góp tích cực, nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn; có phát minh, sáng kiến, cải tiến, giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi ích cho đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và Thành phố.
Giải thưởng Lưu Chí Hiếu của Quận 1 hay Giải thưởng truyền thống Trần Văn Kiểu của Quận 5 là những hoạt động ý nghĩa triển khai các phong trào “Thi đua yêu nước”, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Mỗi giải thưởng tuy có tên gọi khác nhau nhưng đều hướng về công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, là đoàn viên Công đoàn tiêu biểu, có sáng kiến, sáng tạo trong lao động, đóng góp thiết thực trong xây dựng và phát triển đất nước.
Điển hình trong thi đua lao động, sáng tạo
Thực tế cho thấy, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân lao động Thành phố đã và đang lan tỏa khắp công trình, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp trong, ngoài Nhà nước, các doanh nghiệp liên doanh và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phong trào đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, vượt khó, thúc đẩy sản xuất phát triển, kinh doanh có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với chất lượng cao.
Đặc biệt, với khả năng sáng tạo, nắm bắt và giải quyết nhanh những yêu cầu mới đặt ra, nhiều sáng kiến của công nhân, viên chức, người lao động không chỉ đóng góp vào thành tích chung của đơn vị mà còn góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra của Thành phố và được ứng dụng ở nhiều nơi khác. Thành quả đó cũng có đóng góp của những người nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng - Giải thưởng cấp thành phố dành những công nhân, kỹ sư, người lao động do Ủy ban nhân dân, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng.
Là điển hình trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, anh Hồ Vĩnh Phú, Quản lý phân xưởng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jabil Việt Nam trong 8 năm làm việc đã có hàng chục sáng kiến, cải tiến tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, sáng kiến “Cải tiến công suất làm việc và mô hình cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm ESL” năm 2022 không chỉ được áp dụng ở nhiều nhà máy khác mà còn lọt vào tốp 2 châu Á và tốp 8 sáng kiến Jabil toàn cầu.
Quá trình làm việc, anh Phú nhận thấy các dây chuyền trong sản xuất chạy không đạt năng suất theo thiết kế; nguyên vật liệu cung cấp thường bị gián đoạn, dẫn đến bị dừng dây chuyền khiến sản lượng không đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân được xác định là trạm kiểm tra chất lượng sản phẩm bị lỗi làm sản lượng không đạt yêu cầu, nhưng do không gian hẹp nên giải pháp tối ưu là cải tiến dây chuyền hiện hữu.
Theo anh Phú, việc đầu tiên là thiết kế lại quy trình cấp - phát nguyên liệu, cải tiến sơ đồ di chuyển, chuẩn hóa các công đoạn, nhất là sắp xếp lại diện tích của máy móc, thiết bị trên dây chuyền; tối ưu hóa không gian trạm kiểm tra chất lượng sản phẩm để tăng thêm trạm. Hơn 3 tháng mày mò cải tiến, anh cho ra đời bản thử nghiệm rồi lại cải tiến, hướng dẫn công nhân vận hành. Kết quả cho thấy, quả cùng một thời gian, không gian sản xuất, sản lượng đã tăng lên gấp đôi, giảm được 20% nhân công, làm lợi cho công ty hơn 7 tỷ đồng. Sáng kiến của anh được áp dụng ở nhiều nhà máy khác.
Không kém cạnh những đồng nghiệp nam, chị Hồ Thụy Bảo Như, Quản lý sản xuất phân xưởng thực phẩm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam cũng khát khao cống hiến để tăng năng suất lao động, giảm áp lực cho công nhân. Trong 7 năm công tác, chị Như đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo mang tính đột phá, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào quy trình sản xuất tại doanh nghiệp, cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm cả chục tỷ đồng.
Chỉ riêng về sáng kiến “Cải tiến điều kiện môi trường sau khu vực bán thành phẩm và phương pháp vệ sinh thanh trùng thiết bị” đã giúp Công ty giảm gần 40% tần suất vệ sinh thanh trùng thiết bị hàng tuần, tăng năng suất nhà máy lên gần 6%; giúp công nhân giảm thời gian làm việc, giảm xả thải ra môi trường, nâng tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm cho đơn vị hơn 1,7 tỷ đồng/năm. Hay ý tưởng "Thay đổi công nghệ làm lạnh tại khu vực phòng cân và đổ bột từ máy lạnh thông thường sang hệ thống làm lạnh trung tâm” cũng đã giúp tối ưu hóa hiệu suất làm lạnh khu vực và tăng tuổi thọ thiết bị; giảm hơn 50% chi phí bảo trì, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc góp phần nâng cao năng suất lao động.
Chia sẻ về việc liên tục có những sáng kiến, chị Như cho rằng, đó là trách nhiệm, ngược lại nếu không tìm tòi, sáng tạo là tự đào thải mình. Tuy nhiên, để các sáng kiến thành công, các tác giả phải khảo sát, đánh giá nhiều góc độ; nhận định tính khả thi, hiệu quả trước khi đề xuất lên cấp trên. Sáng kiến trước tiên phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, người lao động; sau đó là doanh nghiệp và môi trường sống, xanh, sạch hơn….
Nói về Giải thưởng Tôn Đức Thắng, ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đây là giải thưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên, khẳng định đội ngũ đoàn viên, công nhân lao động là lực lượng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có chất lượng sống tốt. Đặc biệt, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nhân, người lao động thành phố đã từng bước làm chủ các phương tiện, nỗ lực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tri thức, làm giàu cho bản thân, thúc đẩy cơ quan đơn vị doanh nghiệp phát triển.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã để lại dấu ấn riêng, mang đậm hình ảnh của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân thành phố. Các cá nhân nhận giải thưởng qua từng năm đã cống hiến và đóng góp những thành quả trong các phong trào “Thi đua yêu nước”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần chung vào việc hoàn thành vượt chỉ tiêu chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19". Trải qua 23 năm qua, Thành phố đã vinh danh hơn 240 kỹ sư, công nhân tiêu biểu trong lao động, đóng góp nhiều giá trị sáng tạo cao.
Bài cuối: Phát huy hiệu quả từ chương trình 1 triệu sáng kiến