Ý kiến đóng góp tại Hội nghị xoay quanh ba nội dung chính: Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương; kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai các hoạt động kết nối, vận động nguồn lực hỗ trợ các tỉnh, thành đoàn khác; đề xuất hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 cho đoàn viên, thanh niên và người dân.
Thời gian qua, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng với cả hệ thống chính trị, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã vào cuộc quyết liệt, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Nhiều mô hình, sáng kiến của thanh niên đã để lại dấu ấn cho cộng đồng, như: Xây dựng các “Trạm rửa tay dã chiến”, “Điểm rửa tay” từ vật dụng tái chế; dự án phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu, mô hình Thanh niên tự pha chế nước rửa tay diệt khuẩn...
Nhiều "chiến sĩ áo xanh" đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hỏi từng công dân”, hỗ trợ người dân khai báo y tế; những “Shipper Áo xanh tình nguyện”, những “Chuyến xe tuổi trẻ - san sẻ yêu thương” mang nhu yếu phẩm thiết yếu phát cho người dân trong vùng dịch. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên bị mất việc làm do dịch COVID-19 được tổ chức Đoàn, Hội triển khai; những chương trình “San sẻ yêu thương” góp phần tương trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều tỉnh, thành đoàn dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song đã quyên góp nhiều mặt hàng thiết yếu để ủng hộ cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tiêu biểu như Tỉnh đoàn Bình Thuận với chương trình “Chạm những yêu thương”, được tổ chức nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, tiếp sức các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính từ ngày 23/6 - 20/7/2021, chỉ riêng Tỉnh đoàn Bình Thuận đã vận động được hơn 2,5 tỷ đồng để triển khai chương trình (chưa tính Đoàn cấp huyện, cấp xã). Ngoài ra, nhiều mô hình, hoạt động tiêu biểu cũng được Tỉnh đoàn Bình Thuận triển khai như: 20 “Chuyến xe tuổi trẻ - San sẻ yêu thương” tới hỗ trợ tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố cùng một số đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh và Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng; chương trình “ATM gạo di động - Shipper xanh”…
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương cũng đã hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm tổng trị giá hơn 6,7 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch; tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang và Đồng Tháp trị giá hơn 10 tỷ đồng và tổ chức 2 chuyến bay chở lực lượng sinh viên, giảng viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Đại học Y Hà Nội vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương…
Thành đoàn Hà Nội cũng đã triển khai nhiều mô hình, cách thức tuyên truyền, giáo dục mới hiệu quả, như Chuỗi các Thử thách: Thử thách ảnh “Together we win - Chiến thắng COVID-19”, Thử thách nhảy “Defeat COVID-19”, Thử thách 15 ngày chia sẻ “We care - we share”; thực hiện các clip âm nhạc cổ động phòng, chống dịch như: “Defeat COVID-19”, “Bố ơi - Đừng đi đâu nhé”...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, thành quả trong phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 gắn với những mô hình hay, cách làm sáng tạo, giải pháp hiệu quả; qua đó góp phần tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ đoàn, đoàn viên trong tham gia phòng, chống dịch. Đây cũng là cơ hội để tỉnh, thành đoàn ở các địa phương đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh đề xuất nhu cầu, nguyện vọng với Trung ương Đoàn; đặc biệt là tạo kênh kết nối để các tổ chức, cá nhân, các tỉnh thành đoàn hỗ trợ, giúp đỡ nhau, cùng chung tay vượt qua đại dịch.