Việc các doanh nghiệp thờ ơ về công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động là một trong những nguyên nhân khiến số người bị thương và tử vong do tai nạn lao động có xu hướng ngày một gia tăng.
Phớt lờ quy định
“Riêng 6 tháng đầu năm 2011 cả nước xảy ra 3.531 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), khiến 544 người bị thương nặng và 273 người khác bị tử vong, tăng hơn so với năm 2010. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là hơn 143 tỉ đồng, tăng 2,62 lần; thiệt hại về tài sản hơn 17 tỉ đồng, tăng 7,89 lần”, ông Vũ Như Văn, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết. Theo ông Văn, con số thống kê trên còn chưa đầy đủ bởi còn nhiều doanh nghiệp giấu TNLĐ, không thống kê và báo cáo.
Tai nạn lao động có xu hướng ngày một gia tăng. Ảnh: Công Tường-TTXVN |
“Nhiều trường hợp bị TNLĐ nhưng gia đình tự thỏa thuận với doanh nghiệp nên không báo cáo. Đơn cử, TNLĐ xảy ra ở ngành nông nghiệp cũng nhiều nhưng do đối tượng là nông dân, không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên nhiều vụ TNLĐ xảy ra không được thống kê”, bà Trần Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cho hay.
Về nguyên tắc, những người sử dụng lao động phải trang bị phương tiện bảo hộ lao động, tập huấn an toàn lao động (ATLĐ), phải có kế hoạch giám sát việc thực hiện ATLĐ hàng ngày. Thế nhưng, qua nghiên cứu của ngành y tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động, không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, không chú trọng tập huấn về ATLĐ cho người lao động. Trong khi đó, do thu nhập eo hẹp và nhận thức chưa đầy đủ, người lao động chỉ chú trọng đến năng suất lao động mà không chú ý đến việc đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe và sinh mạng của chính bản thân mình.
“Hậu quả là có những vụ TNLĐ xảy ra gây chết người chỉ vì những lỗi rất sơ đẳng như rót xăng dầu nhưng vẫn hút thuốc, leo cao nhưng không thắt dây an toàn... Những trường hợp này thường không được người sử dụng lao động giám sát, nhắc nhở”, bà Lan khẳng định.
Tăng cường giám sát, xử phạt
Là người hàng ngày phải chứng kiến cảnh người lao động bị TNLĐ nhập viện điều trị, cử nhân Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện (BV) Việt Đức, xót xa nói: “Mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị TNLĐ trong tình trạng nặng. Sau đó, nhiều người bị vong, còn những người còn sống thì phải chịu cảnh tàn phế suốt cuộc đời”.
Từ 2007 - 2010, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 5.797 vụ TNLĐ, khiến 586 người tử vong. TNLĐ xảy ra nhiều nhất ở các lĩnh vực khai thác mỏ, cơ khí và xây dựng. Các yếu tố chấn thương gây chết người có tỉ lệ cao gồm: Nhóm rơi ngã (chiếm 22,1%); do vật rơi, vùi dập (chiếm 19,6%); điện giật (chiếm 16,3)... |
Nếu nghiêm túc chấp hành quy định về ATLĐ, doanh nghiệp phải có biện pháp kiểm soát an toàn cho từng công nhân trước ca làm việc, xem hôm trước có thức khuya không, có đảm bảo an toàn để làm việc không... Nhưng ở Việt Nam còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, kiểm tra các quy định trên. Cũng chẳng có mấy doanh nghiệp đề nghị ngành y tế phối hợp để tập huấn về ATLĐ và hướng dẫn cách sơ cứu đúng cách cho người lao động.
Do đó, cần phải tăng cường tuyên truyền ATLĐ cho doanh nghiệp và người lao động, đồng thời xử phạt thật nặng những doanh nghiệp vi phạm ATLĐ”, cử nhân Nguyễn Xuân Vinh đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Ngọc Lan quả quyết: “Hiện nay chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên cần phải nâng mức xử phạt cao đối với những doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ. Bên cạnh việc phải đền bù thỏa đáng khi người lao động do bị TNLĐ mà mất đi khả năng làm việc hoặc bị tử vong thì doanh nghiệp còn phải bị xử phạt về trách nhiệm xã hội. Ví như, người bị TNLĐ tử vong khi 20 tuổi, doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân số tiền lương tương ứng của 40 năm (tính tuổi lao động là đến 60). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đền bù một số tiền riêng cho nhà nước vì họ là nguyên nhân làm xã hội mất đi một lao động...
“Để giảm thiểu TNLĐ trong thời gian tới, ngành LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về ATLĐ để nâng cao nhận thức cho người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về ATLĐ phù hợp với tình hình mới, xây dựng quỹ bồi thường TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...”, ông Vũ Như Văn khẳng định.
Phương Liên