Chỉ ở Việt Nam mới có ngày doanh nhân, không phải vì đội ngũ doanh nhân ở nước ngoài không được coi trọng, mà họ đã được thừa nhận từ rất lâu, như “nước uống, không khí” của nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, đội ngũ doanh nhân đã phải trải qua nhiều năm thăng trầm để được thừa nhận như ngày hôm nay.Đó là những chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam với báo Tin Tức nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Được bồi đắp từ truyền thốngTheo ông Lộc, doanh nhân là những người lính thời bình, đội quân chủ lực trong công cuộc phát triển kinh tế. Sự nghiệp dân giàu, nước mạnh phụ thuộc vào đội ngũ doanh nhân có ý chí khao khát làm giàu cho mình và cho đất nước, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đầu tư phát triển kinh doanh.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành.Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Tinh thần doanh nhân mà ông Lộc nhắc đến ở đây không chỉ đến bây giờ mới có. Trên thực tế, tinh thần đó đã được xây dựng và hun đúc từ cách đây hàng 100 năm, khi một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên, ông Bạch Thái Bưởi với khát vọng làm giàu và lòng tự tôn dân tộc, đã dám đứng lên bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị trước Thống sứ Bắc Kỳ René Robin trong một hội nghị kinh tế lý tài. Ông đã nói: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.
Sau thế hệ ông Bạch Thái Bưởi, một số doanh nhân khác như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… không chỉ là các doanh nhân lừng lẫy, còn là những người dân có lòng yêu nước sâu sắc với rất nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cũng như xã hội của dân tộc Việt Nam…
Ngôi nhà của doanh nhân Trịnh Văn Bô ở 48 phố Hàng Ngang (Quận Hoàn Kiếm) là nơi Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và sau đó, cũng chính lực lượng công thương là giai cấp đầu tiên được Bác Hồ tiếp đón tại Phủ Chủ tịch.
Bản thân doanh nhân Trịnh Văn Bô đã đóng góp hơn 5.100 lượng vàng cho cách mạng, gấp đôi số tiền của ngân khố quốc gia lúc bấy giờ. Vợ của ông Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ hiện nay đã hơn 100 tuổi chia sẻ: “Nếu được bắt đầu lại, chúng tôi vẫn đóng góp toàn bộ tài sản của mình cho cách mạng. Vì nền độc lập tự do là đáng quý nhất”.
“Chúng ta nên tự hào về các bậc tiền bối. Bởi họ luôn tâm niệm không để người nước ngoài coi thường người Việt, không để người nước ngoài cho rằng dân ta không biết kinh doanh. Bởi họ đã nhận thức được rằng dùng việc kinh doanh có thể thay đổi xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp hơn”, ông Đỗ Duy Thái - Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt nhận định.
Sau đó đội ngũ doanh nhân đã trải qua nhiều gian đoạn biến cố mang tính lịch sử cùng với đất nước. “Đội ngũ doanh nhân từng là đối tượng bị đem đi cải tạo thương nghiệp, hay bị coi là con buôn, con phe… Vì vậy, việc các doanh nhân có một ngày kỷ niệm riêng chính là sự thừa nhận của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân ngày nay”, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Vị thế ngày càng lớnThực tế, tới khi đất nước tiến hành đổi mới, Hiến pháp được sửa đổi năm 1992, Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999, đội ngũ doanh nhân mới chính thức được thừa nhận và tôn trọng. Đặc biệt, để tôn vinh những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Phan Văn Khải đã cho phép lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Và “Ngày 13/10/2004 được coi như là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nhân”, ông Vũ Tiến Lộc tự hào cho biết.
Tính đến nay, cả nước có hơn 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo ra hàng triệu việc làm, đóng góp một phần rất lớn cho ngân sách Nhà nước, giúp nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới.
“Có đội ngũ doanh nhân mạnh mới có nội lực lớn, có thể đẩy lùi được các cuộc chiến tranh. Niềm tự hào trong thời đại mới không phải là đánh thắng các cường quốc lớn, mà là các doanh nhân điều hành các con tàu của mình, đem hàng hóa Việt Nam tới các thị trường lớn, mầu cờ sắc áo phải được thể hiện bằng hàng hóa “made in Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Để ghi nhận và xác định vai trò nhiệm vụ của doanh nhân, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế...”. Đặc biệt, tới Hiến Pháp sửa đổi năm 2013, đội ngũ doanh nhân đã chính thức được thừa nhận ngang bằng với các lực lượng khác trong xã hội.
Đây là niềm vinh dự, “chúng ta có quyền tự hào và đồng thời cũng xác định trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân chúng ta rất to lớn và nặng nề, là lực lượng đi đầu thực hiện phát triển kinh tế, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện mục đích cao nhất của Đảng ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh…”, ông Lộc nói.
Hữu Vinh