Độc đáo công trình nước sinh hoạt trong hang núi ở Lạng Sơn

Nằm cách thành phố Lạng Sơn hơn 60 km, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) là nơi sinh sống của hơn 450 hộ dân các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao... Đây là địa phương thuộc vùng khó khăn về nước sinh hoạt của tỉnh Lạng Sơn nhưng trong những ngày đầu tháng 7 này, một công trình nước sinh hoạt mới đang được gấp rút xây dựng trong hang núi đã đem đến hy vọng về nguồn nước mát, đảm bảo vệ sinh cho người dân nơi đây.

 

Công trình nước sạch tại hang núi Ba Nàng được xây xong không chỉ giải quyết nguồn nước cho 450 hộ dân như dự kiến ban đầu mà theo ước tính của chính quyền xã, 800 hộ dân từ các thôn xung quanh sẽ được hưởng lợi.

 

Hang núi Ba Nàng nằm giữa lưng chừng núi. Cửa hang chỉ vừa một người chui lọt nhưng bên trong có khoảng không khá lớn chừng 100m. Đây từng là chỗ trú ẩn của người dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới. Đặc biệt, nằm sâu trong đáy hang là một “mỏ” nước hình thành một hồ nhỏ trong hang, ước tính khoảng 90 mét khối. Nguồn nước này liên tục được bổ sung từ các suối chảy ngầm trong nhiều dãy núi, thẩm thấu qua đá và luôn luôn giữ mực nước ổn định.

 

Ông Triệu Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: Qua khảo sát và lấy mẫu xét nghiệm, nước trong hang núi Ba Nàng đủ điều kiện an toàn vệ sinh và có thể sử dụng làm nước sinh hoạt cho người dân. Do đặc điểm của một tỉnh vùng núi, chúng tôi thường xuyên tận dụng các nguồn nước từ thiên nhiên, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tự chảy để phục vụ đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, công trình xây dựng bể nước sinh hoạt trong hang núi này có khó khăn hơn nhưng may mà vẫn có nguồn nước.

 

Trung bình một ngày có 10-15 công nhân thi công tại hang núi, ban đêm cũng có từ 4 đến 5 anh em ăn nghỉ ngay tại trong hang để đảm bảo tiến độ thi công đúng hạn.

 

Để xây dựng công trình nước sinh hoạt này, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Lạng Sơn đã khảo sát, đo đạc từ năm 2013 và bắt đầu khởi công công trình từ đầu năm 2014 với tổng số vốn 5,2 tỷ đồng. Ngoài phần khó nhất là xây dựng bể nước trong điều kiện thi công khó khăn, hàng trăm km đường ống nước cũng sẽ được Trung tâm và nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Phương Nam dẫn từ trên núi xuống và lắp đồng hồ đo nước tới từng hộ dân. Ông Nông Văn Quy, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Phương Nam cho biết: Trung bình, mỗi ngày có 10-15 công nhân thi công tại hang núi. Toàn bộ vật liệu xây dựng, công ty đều sử dụng bằng tời kéo từ dưới đất lên cửa hang, đến nay đã hoàn thành xong 40% khối lượng công việc. Công trình này thi công mất nhiều thời gian hơn so với các công trình nước tự chảy khác.

 

Hiện nay, xã Cai Kinh có tới 7/10 thôn chưa có công trình nước sinh hoạt. Người dân trong xã đã khoan thử nhiều nơi nhưng đều không có nước. Toàn bộ lượng nước sinh hoạt nơi đây đều lấy từ sông Kỳ Cùng và các dòng suối xung quanh. Anh Hoàng Văn Hai, người dân sống dưới chân núi Ba Nàng cho biết: Mùa mưa còn đỡ, chúng tôi còn có thể ra khe suối gần nhà hứng nước về sử dụng, nhưng mùa khô thì phải đi xin nước cách mấy cây số.

 

Toàn bộ vật liệu xây dựng đều sử dụng bằng tời kéo từ dưới đất lên cửa hàng, đến nay cơ bản đà hoàn thành xong 40% khối lượng công việc.

 

Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Biết tin công trình nước sinh hoạt trong hang núi Ba Nàng khởi công, người dân trong xã rất vui mừng vì tới đây không còn phải lấy nước từ các sông, suối mất vệ sinh nữa. Chúng tôi cũng động viên bà con đóng góp 10%
kinh phí để xây dựng và giữ gìn, bảo dưỡng công trình.

 

Toàn tỉnh Lạng Sơn có gần 300 công trình nước sạch tự chảy được xây dựng từ hàng chục năm trước, đến nay chỉ còn khoảng 30% công trình còn sử dụng được. Từ đầu năm 2014 đến nay, 5 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện vùng sâu như Văn Lãng, Bình Gia, Cao Lộc... với tổng số vốn đầu tư gần 16 tỷ đồng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công trình nước sinh hoạt tại hang núi Ba Nàng là một trong số 15 công trình được khởi công và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2015.

 

Hoàng Nam

72% dân Tây Nguyên đã có nước sạch
72% dân Tây Nguyên đã có nước sạch

Trên 72% dân ở khu vực Tây Nguyên đã có nước sạch để sử dụng, trong đó tỉnh Đắk Lắk là nơi có nhiều người được dùng nước sạch nhất với tỷ lệ 81%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN