Trong khi cát sê của những ca sĩ hạng sao là 50 thậm chí 500 triệu đồng/đêm, thì cát sê của những ca sĩ không chuyên chỉ 200.000 - 400.000 đồng/sô diễn. Nhưng dù thấp còn hơn “ngồi không tắt bữa”, đó là “cảnh ngộ” chung của các ca sĩ không sao ở thành phố biển Vũng Tàu. Để kiếm được 400.000 đồng, tối nào họ cũng tất bật với những sô diễn, hết nhà hàng này, khách sạn nọ đến quầy bar kia, tụ điểm ca nhạc khác. Để rồi hằng đêm, trở về sau ánh đèn sân khấu là bao nhọc nhằn mồ hôi cô đơn và những giọt nước mắt.
Hát để sống
Xin được bắt đầu với nam ca sĩ Lâm Gia Huy, (người gốc Đông Anh - Hà Nội). Tôi gặp em hát trong đám cưới ở nhà hàng Trung tâm tiệc cưới trọn gói Đông Xuyên phường 10, thành phố Vũng Tàu. Em hát khá ấn tượng ca khúc “Đừng trách người ơi”. Huy cho biết “Trước đây mỗi sô đám cưới, em hát hai bài chỉ được 100.000 đồng. Nếu chạy hai đám cưới một lúc thì gấp đôi tiền. Em không có xe máy, mỗi buổi đi diễn là thuê xe ôm chở từ đường Trương Công Định (phường 1 nơi em thuê nhà). Hát xong ở đám cưới, em lại thuê xe ôm chở về tụ điểm ca nhạc Bạch Dinh hát đến 10 giờ đêm, thứ bảy, chủ nhật cuối tuần hát đến 11 giờ mới về nghỉ. Bây giờ hát hai bài được 400.000 đồng. Tuy thù lao cao hơn, song để sống với nghề, chúng em phải chạy nhiều sô khác nhau và luôn làm mới mình bằng các phong cách mới, kể cả quần áo trang phục”.
Ca sĩ Lâm Gia Huy chuẩn bị đi diễn đêm ở tụ điểm ca nhạc. |
Vì Huy có phong cách biểu diễn khá ấn tượng, nên tôi đã giới thiệu em “đầu quân” vào ban nhạc chuyên phục vụ đám cưới cho nhà hàng. Tôi không nghĩ em lại có hoàn cảnh éo le đến vậy. Bố bỏ mẹ lấy vợ khác khi em mới 3 tuổi, em ở với mẹ. Năm 1986, em theo gia đình từ Đông Anh - Hà Nội vào huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới. Gia đình nghèo khó không có tiền ăn học đến nơi đến chốn. Huy ước mơ trở thành ca sĩ. Song quá khó với một gia đình nghèo như em.
Năm 2002, em lên Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Phố chật, người đông. Để kiếm một chỗ hát nuôi bản thân đã khó, nhưng hát ở đâu, ai là người dìu dắt và trụ ở sân khấu lâu dài không dễ. Tình cờ Huy gặp nam diễn viên điện ảnh Lý Hùng (theo lời em kể). Tại đây, Huy được sự bảo trợ của Lý Hùng, học một lớp thanh nhạc ngắn hạn và theo các anh chị ca sĩ đi hát. Gọi là đi hát, song kỳ thực là “hát thế” khi sân khấu không có người hát. Huy thường hát để “lấp chỗ trống” và hát sau cùng. “Có hôm em quê quá, vì các anh chị ca sĩ lên sân khấu mốt này, mốt nọ, còn em chỉ một bộ quần áo mặc 3 ngày chưa thay và ăn bánh mỳ thay cơm. Nhiều khi em cũng muốn bỏ nghề, nhưng chỉ bỏ một hôm là nhớ sân khấu.
Ca sĩ không chuyên Mạnh Tuấn hát ở nhà hàng Đông Xuyên. |
Có lẽ em quá đam mê. Nó là nghiệp của cuộc đời em. Sau hai năm, không trụ được ở Thành phố Hồ Chí Minh, em về Vũng Tàu và xin hát ở tụ điểm ca nhạc Bạch Dinh, Cát Biển, Cà Phê 86. Mỗi tụ điểm họ trả 600.000 đồng/tháng. Đêm nào cũng hát một sô hai bài. Ngoài ra em hát ở đám cưới nữa. Nói thật với anh, ca sĩ ở Vũng Tàu hát giá “bèo” lắm, hát để sống thôi. Trừ chi phí tiền thuê nhà, quần áo, sinh hoạt thì chẳng còn bao nhiêu để giúp đỡ mẹ. Hàng tháng cố gắng lắm em dành dụm gửi cho mẹ ba trăm ngàn đồng. Mẹ em già rồi”. Huy tâm sự.
Tôi ngỡ ngàng vì ca sĩ mà không có điện thoại di động. Thoạt đầu nghĩ có lẽ ca sĩ không dùng điện thoại vì sợ nhiều người quấy rầy. Nhưng không, Huy nghèo thật. Em cố gắng hát từ giờ đến Tết lấy tiền giúp mẹ ở quê và sắm cái điện thoại. Mỗi lần liên lạc phải ra điện thoại công cộng.
Cũng như Lâm Gia Huy, nữ ca sĩ trẻ Kim Hằng đến từ Bình Dương cũng khá vất vả. Trước đây Hằng hát cho phòng trà khách sạn Hải Âu, phòng trà Đại Dương và hát cho đám cưới nếu có “bầu” mời, rồi chị hát cho phòng trà Oma. Khi phòng trà này không hoạt động nữa, chị lại trở về Đồng Nai để hơn năm sau trở lại Vũng Tàu đầu quân cho phòng trà Cali, rồi hát ở quán nhậu Cối Xay Gió đường Trương Công Định, vì theo chị quá nhớ những bài ca và sao xa được ánh đèn sân khấu. Hằng tâm sự “Mình đã hát ở thành phố Vũng Tàu 14 năm, ngần ấy năm bao thay đổi nhưng cát sê thì chỉ nhích chút đỉnh. Với 400.000 đồng/sô đám cưới thì không đủ chi phí, bởi đâu phải ngày nào cũng có đám cưới. Còn hát ở tụ điểm thì “nắng đắt mưa ế”. Tháng 600.000 đồng, nhưng không có khách thì đói dài. Đã thế, đâu phải lúc nào “bầu” cũng gọi mình. Nếu trái ý là lụt nghề ngay. Ca sĩ ở Vũng Tàu đông như nấm mọc sau mưa, họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau, song để có một chỗ hát ổn định là không dễ. Mình hát hay chưa đủ, nhiều khi cần phải có mối quan hệ thân tình, nể nhau họ mới mời”. Hằng tâm sự.
Sau ánh đèn sân khấu
Trở về sau ánh đèn sân khấu, ca sĩ Lâm Gia Huy rã rời. Anh cố nuốt chiếc bánh mỳ để lấy lại sức. 23 giờ, con hẻm sâu hun hút. Không tiếng động, Huy lặng lẽ về phòng trọ của mình. Căn phong tồi tàn đến không ngờ. Không giường chiếu. Một chiếc đệm giữa nhà. Một chiếc bàn nhỏ dùng để trang điểm, dăm bộ quần áo treo trên mắc sát tường, một bình nước lọc. Huy cho biết “Em hát đến 23 giờ khuya và đi xe ôm về. Người mệt rã rời nên chẳng muốn ăn gì. Nhiều khi chỉ kịp ăn gói mì tôm rồi lao đi ngủ”- Em không có phòng tập thì làm thế nào để tập nhạc đi hát? - “Em tập trên mạng, chủ yếu là nghe, vì mình không có máy nghe nhạc đành vậy. Làm ca sĩ cũng cực lắm. Ai cũng nói ca sĩ nhiều tiền vì thấy mặc sang, đẹp. Song thực tế không dư giả gì. Tiền thuê nhà tháng này chưa đóng, bà chủ đòi tiền, mà cát sê cuối tháng “ông bầu” mới đưa. Em bị mất hết đồ đi diễn vì kẻ trộm phá khóa vào lấy. Mấy ngày nay, đi hát chỉ một bộ đồ trắng này”.
Nữ ca sĩ Kim Hằng trở về sau ánh đèn sân khấu làm bạn với “con ki xù”. Ăn vội gói mỳ hay củ khoai ghé mua bên đường là vùi đầu ngủ. Sáng đi chợ nấu ăn một mình. 17 giờ chiều xe ôm chở đến đám cưới. 20 giờ về hát ở phòng trà. Cứ như thế ngày tiếp ngày. Hằng tâm sự: “Người ta nghĩ, cuộc sống ca sĩ thượng lưu, song đâu biết, sau ánh đèn sân khấu hào nhoáng là bao nhọc nhằn mồ hôi, cay đắng và nước mắt. Bao khó khăn đời thường và cô đơn. Mỗi lúc ấy mình chỉ muốn về quê nhưng vì đam mê nên ở lại. Rồi tương lai chồng con đến bao giờ có được. Nghiệp cầm ca, hát cho đời, cho mọi người nghe, vậy là thỏa mãn rồi”.
Ở thành phố Vũng Tàu, không chỉ có Huy, Hằng mà bao ca sĩ trẻ khác như Cẩm Tú, Đàm Hưng, Thi Phượng, Vân San, Thanh Huyền, Ngọc Linh… Hay các sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng, trường Trung học du lịch Vũng Tàu đi hát để mưu sinh và kiếm tiền học thêm. Có người hát vì xác định đó là nghề nghiệp, có người hát tạm thời (đối với sinh viên). Song dù nghiệp hay tạm thời, thì đó cũng là niềm đam mê, là sự sống, là hơi thở của họ. Có ai biết, phía sau ánh đèn sân khấu hào hoa kia, là bao nhọc nhằn đời thường, mồ hôi và cả những giọt nước mắt của những người mang kiếp cầm ca.
Bài và ảnh: Mai Thắng