Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2014), sáng 22/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “85 năm Công đoàn Việt Nam những giá trị bền vững”.
Hội thảo là dịp làm rõ những đóng góp to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng; đúc kết những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu; và đề xuất phương hướng để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới...
Bảo vệ quyền chính đáng của người lao động
Báo cáo đề dẫn của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và các tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh: Công đoàn Việt Nam là tổ chức công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. Trải qua 85 năm hoạt động, Công đoàn Việt Nam đã đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn mang bản chất giai cấp công nhân, phấn đấu vì lợi ích của người lao động.
Vai trò của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được quan tâm đúng mức. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN |
Công đoàn Việt Nam chú trọng thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân, viên chức, lao động cả nước.
Các tham luận khẳng định: Với vai trò, chức năng của mình, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo công nhân, lao động tạo thành lực lượng hùng hậu, thực hiện các mục tiêu cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Thực tiễn 85 năm hoạt động đã chứng tỏ, Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn về những vấn đề lý luận - thực tiễn về công đoàn qua các hoạt động của Công đoàn Việt Nam 85 năm qua; nêu những thành tựu và kết quả nổi bật của công đoàn; thời cơ, thách thức đối với hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ thực tiễn công tác, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hoạt động công đoàn; đề xuất các kiến nghị giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào công nhân...
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Các đại biểu cho rằng các cấp Công đoàn cần hướng về cơ sở, vì người lao động, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, đẩy mạnh phong trào xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp công đoàn nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong công nhân; duy trì và phát triển phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề trong công nhân, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Phối hợp với các bộ, ngành tham gia hoạch định, sửa đổi, bổ sung và thực hiện luật pháp, chính sách đối với công nhân, lao động; phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nâng cao vị thế, vai trò của Công đoàn trong xã hội.
Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Công đoàn Việt Nam thời gian tới, Công đoàn Việt Nam cần tranh thủ và phát huy những yếu tố thuận lợi, tìm biện pháp vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phong trào công nhân và hoạt động công đoàn lên tầm cao mới. Công đoàn phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình như tập hợp, giáo dục công nhân, lao động tham gia quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, lao động. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tạo điều kiện để công đoàn hoạt động, tập hợp, đoàn kết công nhân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao...
Thạc sỹ Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018” mà Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra, các cấp công đoàn cần đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Đổi mới phương thức tiếp cận, nội dung và phương thức tuyên truyền vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở; đổi mới quy trình vận động thành lập công đoàn cơ sở trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo hướng tăng cường sự chủ động tham gia của người lao động trong thành lập công đoàn cơ sở...
Quan tâm đến việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, Thạc sỹ Trần Văn Thuật, Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung tài liệu cần giảm dần lý thuyết, tăng thực tiễn, đi sâu vào kỹ năng thực hành, giải quyết tình huống...
Khiếu Tư