Đổi thay ở Bù Đốp

Về thăm lại huyện Bù Đốp (Bình Phước) trong những ngày tháng 4 lịch sử này, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, cũng nghe người dân trong huyện nói về những nông dân cần cù, sản xuất giỏi vươn lên từ khó khăn để làm giàu, như chị Đoàn Thị Vòng ở ấp 8, xã Thanh Hòa; anh Nguyễn Văn Chương ấp Tân Thuận, xã Tân Tiến và rất nhiều nông dân khác nữa có hàng ngàn nọc tiêu, thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm.

 

Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trọng các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Biết bao thế hệ quân và dân đã cống hiến, hy sinh xương máu, sức lực và trí tuệ để giữ gìn và xây dựng vùng đất biên cương trở thành một vùng quê yên bình, phát triển.

 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những biến đổi của tự nhiên và xã hội trong chiến tranh, trong thời bình và thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bù Đốp luôn phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách dành được nhiều thành quả đáng tự hào, tạo nên những giá trị có ý nghĩa quan trọng. Nhất là từ khi Nghị định số 17-NĐ/CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ về việc thành lập huyện Bù Đốp ra đời, đã tạo ra những cơ hội và tiềm năng mới cho sự phát triển, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời mở ra khả năng thu hút đầu tư, nguồn lực con người, khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh đất đai; quản lý tốt hơn biên cương lãnh thổ của một huyện vùng biên giới Tây Nam .

 

Trong 10 năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế của huyện luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân chung hằng năm là 11,39%. Nếu như vào năm 2003, toàn huyện chỉ có 290 cơ sở sản xuất công nghiệp, đến nay có 430 cơ sở; thương mại-dịch vụ từ 889 cơ sở đến năm 2012 tăng lên 1.845 cơ sở, giải quyết việc làm cho 4.755 lao động. Hơn 1.000 người tốt việc tốt được tôn vinh, hàng năm có trên 50% khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, trên 93% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 100% cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Các chương trình mục tiêu của Chính phủ như 134, 135, 167 nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho các hộ nghèo, cấp đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc nghèo thiếu đất sản xuất được quan tâm thực hiện, các hoạt động chung tay đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết được quan tâm. Trong 10 năm huyện đã xây dựng được 628 nhà Đại Đoàn kết cho hộ nghèo, với tổng số tiền là 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bằng nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ đã giảm số hộ nghèo từ 26,57% số hộ năm 2003 xuống còn 7,14% năm 2012.

 

Công tác đền ơn đáp nghĩa được chú trọng, với 844 đối tượng chính sách, trong đó có 508 đối tượng hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần và 336 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Hàng năm ngân sách nhà nước chi trợ cấp cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

 

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Đốp Nguyễn Phúc Hậu, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Bù Đốp có quyền tự hào trước những thành quả đã đạt được và diện mạo ngày càng đổi mới của quê hương hôm nay. Đ ó chính là sự kết tinh từ tình yêu quê hương, đất nước, là hành trang và tiền đề quan trọng để Bù Đốp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

 

 

Nguyễn Văn Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN