Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm ao cá Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Sáng ngày 2/9, Thủ đô Hà Nội đỏ cờ bay, dịu dàng trong tiết Thu. Nắng vàng trải khắp mỗi con đường, góc phố. Từ Quảng trường Ba Đình lịch sử đến hồ Hoàn Kiếm thiêng liêng, hàng vạn người hân hoan phấn khởi đón mừng Quốc khánh lần thứ 72 của đất nước. Hòa trong dòng người đó, có muôn ngàn người trẻ tuổi mà với họ tình yêu Tổ quốc có thể cảm nhận qua từng ánh mắt, cử chỉ, câu chuyện.
Cũng như nhiều người dân khác ở Thủ đô, anh Hà Thanh Bình, tuổi, bác sỹ Bệnh viện Quân y 103, cùng vợ đánh thức hai đứa con nhỏ từ thật sớm. Họ rời ngôi nhà ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng để đón mừng ngày đại lễ của đất nước bằng việc cùng nhau chậm rãi bước trên con đường chạy quanh hồ Hoàn Kiếm còn đang im lìm mơ màng trong nắng sớm.
Nắm tay người vợ đang bế cô con gái nhỏ, mắt nhìn cậu con trai lớn đang tinh nghịch chạy nhảy phía trước, anh Bình cảm nhận những rung cảm sâu lắng trước khung cảnh phố phường Hà Nội rợp cờ đỏ sao vàng. 36 phố “Hàng” thường nhật vốn thơ mộng, yên bình nay tươi tắn, bừng sáng với cờ đỏ sao vàng, những băng rôn in dòng chữ “Chào mừng 72 năm Quốc khánh nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Chia sẻ suy nghĩ về ngày trọng đại của dân tộc cũng như hai từ “Tổ quốc”, anh Hà Thanh Bình cho hay: "Thế hệ trẻ như chúng tôi hôm nay được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đi qua những cuộc chiến tranh, nhưng tôi vẫn hiểu một cách sâu sắc giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. Và tình quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc như một mạch nguồn đã thấm sâu, chảy mãi trong tâm hồn mỗi người dân nước Việt".
“Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người trẻ chúng tôi đã thể hiện tình yêu đất nước theo những cách riêng. Như những bác sỹ quân y chúng tôi, là phụng sự Tổ quốc, luôn đặt tâm huyết, trách nhiệm trong cứu chữa người bệnh. Ngay khi ra trường, nhiều người đã lựa chọn nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc để cống hiến tuổi trẻ của mình”, anh Hà Thanh Bình bày tỏ.
Đứng cạnh anh Hà Thanh Bình, chị Lê Việt Nga - vợ anh cũng bộc bạch những cảm nhận của mình: Mỗi người có một cách yêu nước khác nhau nhưng tình cảm cho dân tộc, cho Tổ quốc chỉ là một. Tình cảm đó luôn luôn hiện hữu và ẩn chứa trong mỗi con người.
“Tháng 7 vừa rồi chúng tôi đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, nơi an táng hơn một vạn liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đã có người hỏi tôi, thế nào là tình yêu Tổ quốc, tôi chỉ im lặng nhìn vào hàng dài những ngôi mộ không tên, nước mắt cứ trào ra”, người phụ nữ 36 tuổi nói.
Chung tâm trạng bồi hồi như anh Bình là anh Hoàng Quân Huy, 39 tuổi, ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng anh Huy và gia đình 2 người bạn từ thành phố mang tên Bác bay ra Hà Nội từ tối ngày 1/9. Sáng ngày Quốc khánh, họ dậy sớm, từ một khách sạn trên phố Thanh Nhàn bắt xe taxi đến phố cổ vào 7 giờ 30 phút. Sau khi thong thả tản bộ một vòng từ đầu Tràng Tiền, qua đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, phố Hàng Đào, vợ chồng anh Huy cùng bạn bè dừng chân phía trước nhà số 48 phố Hàng Ngang để chụp những bức ảnh làm kỷ niệm.
Trò chuyện về ý nghĩa của những bức ảnh này, anh Hoàng Quân Huy chia sẻ: "Chúng tôi có lịch làm việc vào tuần tới nhưng đã sắp xếp ra Hà Nội sớm. Dù đã đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của Thủ đô nhưng vợ chồng tôi và bạn bè vẫn muốn đến thăm ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang để tìm hiểu về bối cảnh ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập. Tôi vô cùng xúc động khi được đứng trước chính ngôi nhà mà Bác Hồ từng ở, nơi Bác đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây sẽ là những bức ảnh quý để cho các con tôi hiểu rõ, biết thêm về sự kiện trọng đại của dân tộc".
Không chỉ người dân Thủ đô hồ hởi đón chào ngày 2/9, không khí bình yên, phấn khởi và vui tươi đó cũng lan tỏa sang những du khách nước ngoài.
Anh Park Jin Soo và chị Kim Joo Chin, hai vị khách người Hàn Quốc bay từ thành phố Sokcho, tỉnh Gangwon đến Hà Nội cách đây 2 ngày. Du lịch đến Hà Nội vào đúng dịp Quốc khánh, anh Park cho biết đã dậy từ 6 giờ để tận hưởng không khí trong lành của thành phố và họ đã kịp lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp của ngày hôm nay. Anh Park kể, khi thấy có nhiều cờ đỏ sao vàng treo nên đã hỏi và biết hôm nay là Quốc khánh của Việt Nam.
Còn chị Kim lại chia sẻ rằng, chị rất thích vẻ đẹp của những tầng cây hoa lá xanh biếc tỏa bóng mát ở Hà Nội, đặc biệt là ấn tượng với với những cây xanh nghiêng mình ven hồ Hoàn Kiếm. Chi Kim đưa máy ánh khoe vài bức hình mà chị lưu lại từ sớm nay, trong đó có những bức hình phố cổ rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng.
Sáng Quốc khánh, Hà Nội dịu mát, nắng vàng trải khắp mỗi con đường, góc phố. Không cần nhiều đèn hoa trang trí đắt tiền, không cần những biểu ngữ, pano cỡ lớn, đường phố Hà Nội vẫn trở nên tươi tắn hơn, rực rỡ hơn bởi mầu cờ Tổ quốc. Những dấu vết của một thời bùn đen nô lệ, của một thời bom đạn đã lùi xa. Hơn 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vươn mình từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu trở thành một đô thị rộng lớn, ngày càng khang trang, hiện đại, với diện tích 3.328 km2, dân số hơn 7 triệu người. Thành phố cũng trở thành trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.
Sự vươn mình đi lên mạnh mẽ đó nhận được niềm tin, kỳ vọng và tình yêu của những người trẻ Hà Nội - nguồn lực quan trọng đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa đất nước và Thủ đô. Tình cảm ấy, như những câu ca trong bài hát “Lá cờ” - một bài hát được yêu thích gần đây, thể hiện tình yêu, lòng tự hào Tổ quốc, quê hương và gia đình của nhạc sỹ trẻ người Hà Nội, Tạ Quang Thắng: “Một thời chiến đấu, cha tôi anh hùng, Một thời gian khó, mẹ tôi đảm đang, Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom, Để rồi nay bước trên con đường đời. Dù bao gian khó, chông gai đời tôi. Đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca. Đoàn quân Việt Nam đi”.