Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Viết Tôn
|
Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: Vụ mùa năm nay, tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.370 ha, trong đó đã thu hoạch 67.000 ha, đạt 83% (tính đến 17 giờ ngày 18/10); diện tích cây màu hè thu đã trồng là 7.882ha, trong đó đã thu hoạch là 7.782ha (tính đến ngày 06/10); diện tích cây vụ đông đã trồng 22.600ha (tính đến ngày 15/10/2016). Tổng số lồng nuôi cá 456 lồng (chủ yếu là cá Diêu Hồng, cá Lăng chấm, cá Rô phi, cá Trắm cỏ, cá Chép).
Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo người dân, các lực lượng khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa đã chín và hoa màu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão vào. Chủ động thu hoạch xong lúa mùa trước khi bão vào đối với diện tích lúa có thể thu hoạch (chín trên 60%); bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các trục sông tiêu. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương khơi thông dòng chảy, vơ bèo bồng, giải phóng đăng đó, vó bè trên các trục sông, các đầu cống tiêu.
Đến ngày 19/10, tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ giúp dân thu hoạch lúa mùa và phòng chống bão. Ngành giáo dục cho học sinh từ lớp 9 trở lên nghỉ học, công nhân khu công nghiệp, đoàn viên thanh niên hỗ trợ giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa mùa và phòng chống bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thái Bình chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện ven biển: Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn.
Di dời toàn bộ 1.7 lao động ở khu nuôi trồng thuỷ, hải sản ven sông, ven biển huyện Tiền Hải vào nơi an toàn. Ảnh: Viết Tôn
|
Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ kể từ ngày 16/10; bố trí, xắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu; không để các phương tiện neo đậu gần các cầu, cống, công trình thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, cầu cống và phương tiện của người dân.
Thực hiện phương châm này, các địa phương trong tỉnh đã chằng chống, bảo đảm an toàn nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, hàng hóa, thiết bị còn ở bến cảng, bãi sông, ven biển. Kiểm tra và chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu.
Tỉnh Thái Bình đã di dời toàn bộ 1.662 lao động trên các chòi canh ngao huyện Tiền Hải, Thái Thụy vào nơi an toàn. Ảnh: Viết Tôn
|
“UBND huyện Tiền Hải, Thái Thụy chỉ đạo di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào trong đê chính, kiên quyết không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính và phải hoàn thành trước 17h ngày 17/10. Tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 7 tại các huyện trong tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, đê biển. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu. Các cơ quan truyền thông tăng cường phát tin về diễn biến cơn bão để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, tránh tư tưởng chủ quan.
Hai Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Nam và Bắc Thái Bình chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêu nước, chống úng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Ảnh: Viết Tôn |
Dự báo trong những ngày tới, bão kết hợp với đợt không khí lạnh tăng cường nên có mưa vừa đến mưa to, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đặc biệt là hai Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Nam và Bắc Thái Bình chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêu nước, chống úng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão; giữ thông tin liên lạc với chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Đại tá Trần Xuân Hiệp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cho biết: Tính đến 10 giờ ngày 18/10, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.296 tàu, thuyền với 3.560 lao động hoạt động khai thác thuỷ, hải sản. Tất cả các phương tiện đã vào vị trí neo đậu an toàn. Đã di dời toàn bộ 1662 lao động trên các chòi canh ngao vào nơi an toàn; di dời toàn bộ 1.7 lao động ở khu nuôi trồng thuỷ, hải sản ven sông, ven biển vào nơi an toàn.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7 có thể gây mưa sau hoàn lưu bão, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Công ty khai thác Thuỷ lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước (đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân) để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống.