Trước xu thế đô thị hóa, việc di chuyển nhà ở, trụ sở cơ quan, chùa chiền... ở những khu vực quy hoạch, giải tỏa trở nên vấn đề bức bách. Để hạn chế tình trạng đập phá để di dời, ở đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt xuất hiện nhiều đội di dời nhà. Nghĩa là cùng với ngôi sao “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy, miền sông nước này cũng đã xuất hiện hàng loạt “thần đèn”. Tất cả họ, mặc dù xuất thân từ những nông dân chân chất, nhưng đã tham gia hiệu quả vào một quy trình dời chuyển mà theo lý luận phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao...
Công trình sư chân đất
Thời gian gần đây, ở vùng cù lao huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã xuất hiện những đội quân chuyên dời nhà như: Đội dời nhà Hai Hùng, Ba Chiếm, Tư Nghĩa, Năm Dời, Bảy Bình, Tám Bé, Chín Cọp... Mỗi đội có từ 10 - 20 người, hầu hết là trai tráng trong làng “Long Điền” chuyên dời nhà tường cao tầng, nhà ngói... ra khỏi phạm vi giải tỏa theo yêu cầu của chủ nhà. Từ đó, đã góp phần làm giảm đáng kể những thiệt hại về nhà cửa của nhân dân...
Từ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp qua đò Doi Lửa đến xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là nơi cư ngụ của những đội quân dời nhà. Người đầu tiên tôi gặp là anh Hai Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Long Quới 1. Anh Hùng là một nông dân lại có nghề thợ mộc - chuyên lãnh cất nhà cây - ván cho nhiều hộ dân quanh vùng. Anh Hùng tâm sự: “Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do huyện Chợ Mới quy hoạch lộ giới và làm đê bao chống lũ để tiến tới việc sản xuất lúa, hoa màu quanh năm nên nhiều ngôi nhà kiên cố, nhà sàn... đã rơi vào vùng quy hoạch phải di dời, phá bỏ. Đối với nhà sàn thì việc di dời bằng phương pháp dân gian rất dễ dàng như: Bắn lên rồi dời từ vị trí này sang địa điểm mới. Còn nhà đúc, nhà tường cao tầng có kiến trúc cổ kính phải đập bỏ lấy sắt, bán bần thì khổ chủ rất tiếc... Từ đó, với chút ít kinh nghiệm của nghề mộc nên tôi cùng vài anh em cùng xóm nẩy sinh ý định dời nhà nhằm tránh phải đập bỏ tốn kém... đầu tiên, tôi đào đất quanh nền nhà, cắt đứt chân cột bê tông, vô nề, chằng dây bốn bên thật chặt... rồi từ từ di chuyển ngôi nhà khỏi nơi cũ sang địa điểm mới một cách an toàn...”. Bằng một nụ cười tươi, anh Hùng bộc bạch một cách chân tình: “... Lúc mới bắt đầu thi công, tôi rất lo lắng, hồi hộp, nhưng với lòng tự tin vào khả năng của mình, dù khó cách mấy tôi cũng mày mò làm cho bằng được nên đã dẫn đến thành công...”.
Từ việc dời nhà tường đầu tiên thành công, đội quân dời nhà mang tên Hai Hùng được hình thành và mạnh dạn nhận hợp đồng di dời nhiều nhà kiên cố của người dân quanh vùng và các vùng lân cận. Trong đó, có việc nâng cao lên gần 1m rất an toàn ngôi chùa Hội Tông to lớn ở thành phố Long Xuyên.
Còn anh Tám Nguyễn Văn Bé vẫn nhớ như in, lần đầu tiên bằng những kinh nghiệm và kỹ thuật của mình đã chỉ huy toàn đội thực hiện thành công việc nâng cao ngôi nhà đúc của ông Tư Chia ngụ tại xã Long Điền B lên gần 3,5m. Thấy vậy, các ông Hai Bê, Tư Trừng đề nghị anh Bé thực hiện việc nâng cao ngôi nhà của mình lên từ 2 - 3,4 m để vượt lũ. Anh Tám Bé nhận lời và thực hiện thành công. Tiếp đó, đội quân dời nhà của anh Tám Bé hành quân xuống tỉnh Cần Thơ theo lời mời của anh Hai Bi ở Rạch Gòi và thực hiện thành công việc kéo căn nhà tường của anh Bi vượt qua một con rạch đưa đến vị trí mới cách vị trí cũ 700m, rồi nâng lên cao 1,2m mà đồ đạc trong ngôi nhà này vẫn còn nguyên. Anh Tám Bé bộc bạch: “Mỗi lần dời thành công căn nhà tường cao tầng ra khỏi phạm vi giải tỏa thấy chủ nhà vui, mình cũng vui lây. Có tháng chúng tôi nhận hợp đồng dời cả chục căn nhà, nhưng cũng có lúc 4 - 5 tháng không ai kêu đành thất nghiệp...”.
Giải pháp thủ công cho công trình lớn
Điều đáng khâm phục là việc di chuyển nhà cao tầng, đình chùa, trụ sở cơ quan... nặng từ hàng chục đến hàng trăm tấn đều được các đội dời nhà này thực hiện thành công bằng các phương pháp thủ công và sự sáng tạo cộng với những phương tiện thô sơ, tự tạo như: Con lăn, dây xích sắt, hệ thống ròng rọc, búa, cưa, leng, palan, ván trượt... Thoạt nhìn, mới thấy công việc của đội ngũ dời nhà không theo một lý thuyết nào, nhưng qua các công đoạn đều được thực hiện rất trình tự theo nguyên lý vật lý cơ bản. Cụ thể như: Từ việc cắt ngang bỏ lại phần móng cũ, đưa toàn bộ khối cần di chuyển lên những tấm ván trượt, bên dưới có đặt con lăn đến ván lót... nhiều lớp như vậy để giảm ma sát và tăng khả năng chịu lực của con lăn. Điều quan trọng là khi cắt rời phần móng cũ phải thực hiện ngay việc chuyển động đều toàn khối cần di chuyển lên hệ thống con lăn và ván trượt sao cho không để bị dồn trọng lực vào một điểm nào đó sẽ dễ bị lún hoặc bị gãy cầu trượt. Sau đó, với hệ thống từ 2 - 4 cái ròng rọc và palan liên hoàn nhau đồng bộ kéo khối cần di chuyển đến một địa điểm mới đã được xây dựng sẵn phần nền móng mới vững chắc. Anh Tám Bé cho biết: Có lần, khi di chuyển ngôi nhà tường ra khỏi vị trí cũ đến vị trí mới, không chỉ vật dụng trong nhà không bị hư hỏng mà những người ngồi trong nhà cũng không hề hay biết nhà mình đã di dời xong mà vẫn không làm tràn một giọt nước nào trong ly nước đầy. Quả là điều khó tin nhưng lại có thật 100%. Từ đó cho thấy, trình độ di chuyển những căn nhà đồ sộ từ nơi này sang nơi khác, qua các chướng ngại vật, vượt lộ giao thông, mương đìa, ao hầm hay nâng cao, hạ thấp, xoay bốn phương, tám hướng... của đội dời nhà nông dân vùng cù lao huyện Chợ Mới, được nhiều người khen ngợi và thán phục. Tuy vậy, đội quân chuyên dời nhà này trong quá trình làm việc rất cẩn thận, chu đáo và tuyệt đối không để xảy ra sai sót - dù là một chi tiết nhỏ nhất. Bởi, theo anh Hai Hùng: “Nhà cửa là tài sản quý giá vô cùng của người dân. Nếu trong quá trình thực hiện, vô tình để gãy cột, nứt tường, sụp nền, lún móng... cho dù có bồi thường bao nhiêu đi nữa thì sau này cũng chẳng ai dám kêu...”.
Hiện nay, toàn huyện Chợ Mới đang có trên dưới 20 đội dời nhà chuyên nghiệp thường xuyên đi khắp các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long để làm công việc của... “thần đèn”!
Trần Trọng Trung