Đồng bằng Sông Cửu Long: Nhìn lại vụ lúa thu đông gặp năm lũ lớn

Mùa lũ lớn năm nay đã mang lại nhiều bài học cho người dân và cả nhà quản lý các tỉnh vùng lũ ĐBSCL, khi đưa ra chủ trương sản xuất lúa vụ ba (vụ thu đông) nhằm tăng thêm 1 triệu tấn gạo cho xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.

Thêm 3 triệu tấn lúa

Năm nay, lần đầu tiên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được phép gieo trồng lúa vụ ba (thu đông) trong vùng đê bao chống lũ, với diện tích theo kế hoạch khoảng 500.000 ha (nhưng thực tế bà con gieo trồng trên 600.000 ha). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc gieo trồng lúa vụ ba ở ĐBSCL góp phần tăng thêm sản lượng lúa gạo xuất khẩu và an ninh lương thực cho cả nước rất lớn, với hơn 3 triệu tấn lúa và ước tính khoảng 2 triệu tấn gạo, trong đó dành 1 triệu tấn để xuất khẩu. Hơn nữa, nông dân trong vùng đê bao sẽ tăng thu nhập thêm 30% từ lúa vụ ba và tạo công ăn việc cho nhiều lao động nông thôn.

Đến trung tuần tháng 10/2011, tại tỉnh Vĩnh Long, lũ và triều cường đã gây ngập và làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, dân sinh… thiệt hại khoảng hơn 120 tỉ đồng. Trong ảnh: Nông dân huyện Tam Bình (Vĩnh Long) gặt lúa thu đông chạy lũ. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Mùa lũ năm nay, do mực nước lũ dâng cao hơn năm 2000 nên nhiều tuyến đê bao vượt lũ ở ĐBSCL bị vỡ, nhất là các huyện đầu nguồn như Châu Phú (An Giang), Tân Hồng (Đồng Tháp)… khiến hơn 7.000 ha lúa thu đông bị thiệt hại hoàn toàn và hàng trăm ha khác phải thu hoạch non chạy lũ nên giảm năng suất. Nước lũ lớn lại rút chậm làm cho các chân đê bị ngấm nước, rất dễ bị phá vỡ khi gặp sóng to gió lớn.

Chỉ tính riêng tại tỉnh An Giang, toàn tỉnh có hơn 430 km đê bao đang có nguy cơ lũ đe dọa và đã vỡ một số tuyến, gây thiệt hại gần 4.200 ha lúa thu đông. Trong khi đó, tỉnh đang gia cố thêm là 600 km và nâng cao thêm trên 1.000 km đê bao để có thể bảo vệ 60.000 ha lúa thu đông và hoa màu của nông dân.

Mặc dù năm nay ĐBSCL lũ lớn nhưng việc đối phó với lũ để bảo vệ đê bao, giữ được diện tích lúa, hoa màu, ao cá… khá thành công. Khả năng ĐBSCL thu thêm khoảng 3 triệu tấn lúa từ vụ thu đông trong vùng đê bao chống lũ đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm trong vụ lúa đầu tiên trong vùng đê bao chống lũ này cần phải được rút ra trong chương trình “sống chung với lũ”, để nông dân chủ động hơn trong việc canh tác vào mùa lũ tới.

Đảm bảo an toàn và sinh lợi

Ông Đỗ Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết việc sản xuất lúa vụ thu đông có ý nghĩa rất lớn trong tình hình chống lạm phát kinh tế, đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội và góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, muốn sản xuất lúa vụ thu đông phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về đê bao chống lũ an toàn, đạt cao trình lũ năm 2000 cộng thêm 0,3 m; đồng thời có sự đồng thuận cao của người dân địa phương.

Nhưng đã có nhiều địa phương không chấp hành quy định này dẫn tới những thiệt hại. Nông dân Phạm Công Bằng, sản xuất gần 6 ha lúa ở khu vực kênh Thầy Phó (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang), cho biết: “Thấy giá lúa tăng cao nên địa phương kêu gọi mở rộng sản xuất vụ ba, tuy nhiên sau khi xuống giống xong mới thấy lo, vì các tuyến đê xung quanh mới làm xong cách đây 5 tháng. Mặt đê thì nhỏ, vừa yếu, nên khi gặp cường suất lũ nhanh và mạnh, đã nhanh chóng bị vỡ, kéo theo các vùng đê bảo vệ lúa chung quanh cũng bị vỡ theo”.

Thực tế là những nơi nào có sự chuẩn bị kĩ thì việc sản xuất trong mùa lũ vẫn không bị thiệt hại. Vùng lúa vụ ba với diện tích .000 ha, của huyện Thoại Sơn đến giờ phút này vẫn an toàn nhờ hệ thống đê bao đã được xây dựng từ những năm 2001- 2011. Với kinh nghiệm sau khi xây dựng đê bao, huyện Thoại Sơn không đưa vào sử dụng ngay, mà chờ vài năm để cho chân đê được nén chặt, bờ đê được gia cố rộng và cao trình đê đảm bảo an toàn theo chuẩn mực nước lũ năm 2.000+0,3 m, mới đưa vào sử dụng, vì vậy dù lũ lớn lên nhanh và mạnh, vẫn vững vàng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, có khoảng gần 18.000 ha lúa thu đông ở các huyện đầu nguồn Tân Hồng, Hồng Ngự, Cao Lãnh… trong vùng đê bao cũng được bảo vệ khá an toàn. Bên cạnh đó, do chủ động canh tác và né lũ nên các huyện thu hoạch sớm trước khi lũ ở thời điểm cao nhất. Vào đầu tháng 10/2011, huyện Cao Lãnh đã thu hoạch xong cơ bản trên 16.000 ha lúa thu đông và chủ động cho lũ vào đồng. Khi lũ về cao nhất tại xã Gáo Giồng chỉ còn trên 260 ha đang độ chín và huy động lực lượng tại chỗ cùng với lực vũ trang giữ đê cho bà con thu hoạch hết diện tích còn lại.

Từ thực tế cho thấy, việc trồng lúa vụ ba trong mùa lũ không thể nóng vội, không thể chạy theo phong trào hay thị trường mà cần phải có sự chuẩn bị kĩ về đê bao, về công tác dự báo và nhất là phải sản xuất theo quy hoạch và khuyến cáo của các ngành chức năng thì mới đảm bảo sinh lợi. Mặt khác ĐBSCL phải chọn giống lúa có khả năng thu hoạch sớm để né lũ; đồng thời không nhất thiết và không nên năm nào cũng khuyến cáo nông dân trồng lúa thu đông, mà có thể năm làm năm nghỉ. Bởi theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, việc để đồng ruộng ngập lũ sẽ được bồi lắng phù sa, làm sạch đồng ruộng và rửa trôi mầm bệnh... giúp người dân canh tác hiệu quả hơn mà không mất chi phí tái tạo, phục hồi đất.

Trần Quốc Thái-Vương Thoại Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN