Nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước đây được biết đến với nhiều khó khăn: Hạ tầng giao thông kém, dân trí thấp, y tế chậm phát triển… Từ khi chủ trương xây dựng NTM được thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cải thiện đáng kể.Nhân dân đồng thuậnTết này là cái Tết thứ hai người dân ở ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang “vi vu” trên những con đường liên xóm được bê tông hóa mở rộng. Những con đường được thực hiện với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Khi nghe nhà nước có chủ trương mở rộng và hiện đại hóa các tuyến đường vào xóm thì người dân chúng tôi ai cũng mừng. Chỉ cần xã “ngỏ lời” là chúng tôi bắt tay vào làm ngay”, anh Phan Văn Thi cho biết. Để “hiện thực hóa” con đường vào xóm dài khoảng 500 m với chiều rộng ban đầu chỉ 1 m lên 2 m, cả xóm đã thành lập một tổ, gồm các hộ có uy tín trong xóm để đi vận động bà con đóng góp. Hộ nào có đất thì hiến đất mở đường, hộ nào không có đất thì góp tiền làm đường. Chỉ sau một tháng triển khai, cả tổ vận động đã thu được trên 50 triệu đồng tiền mặt và vận động được các hộ dân góp đất giải phóng mặt bằng. Con đường đã được triển khai đổ bê tông ngay. Ngày đổ bê tông, người dân cả xóm cùng góp công vào việc vận chuyển cát đá, xi măng để hỗ trợ đơn vị thi công sớm hoàn tất. “Giờ cả xóm đã có được con đường khang trang và sạch đẹp, ai cũng vui vì từ đây đi lại thuận tiện hơn, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn và nhất là có đường rộng rãi để đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng - điều mà trước đây không thể làm được vì không có đường vào”, anh Thi cho biết. Không những thế, nhờ con đường được mở rộng, nhiều người dân đã xây nhà mới khang trang hơn và bộ mặt của xóm cũng đã thay đổi hẳn.
Giáo dục mầm non đã được đầu tư nâng “chất” ở xã nông thôn mới Long Mỹ , huyện Măng Thít, Vĩnh Long. Ảnh: T.Tuấn |
Không chỉ ở ấp Thuận Hòa, mà hầu hết những xã triển khai xây dựng NTM đều có được niềm vui tương tự. Bên cạnh đó, những mặt khác như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội và nhất là những hỗ trợ về phát triển kinh tế, ổn định đời sống cũng được quan tâm đầu tư. Về xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang hôm nay mới thấy “choáng”, bởi sự thay đổi đến bất ngờ. Trước đây, đường sá vào xã hiếm có đường cho xe máy, xe ô tô chạy bởi đường giao thông không có, nếu có thì lại vướng… cầu khỉ. Thế nhưng hiện giờ, những trục đường liên ấp, liên xã tráng bê tông hoặc trải nhựa phẳng lỳ, cầu bê tông chắc chắn, nhà tường san sát… Nếu như từ tháng 12/2013, Đại Thành trở thành xã NTM đầu tiên không chỉ của Hậu Giang mà cả khu vực ĐBSCL, thì đến cuối năm 2014 toàn xã đã có 18 hộ dân thu nhập mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên, trên 100 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng, còn thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên thì khá nhiều. Để người dân Đại Thành làm được điều này, chính quyền địa phương đã sát cánh cùng nhân dân trong xã cùng thực hiện xây dựng NTM, khuyến khích người dân làm giàu bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong việc sản xuất cho người dân.
Đẩy nhanh tiến độHiện hầu hết các tỉnh thành vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện xây dựng NTM ở các địa phương đang triển khai nhằm mang lại bộ mặt mới cho nông thôn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.
Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong năm 2015 này, Hậu Giang phấn đấu có một đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng NTM, đó là thị xã Ngã Bảy. Ngã Bảy hiện đã có hai xã là Đại Thành và Tân Thành đạt chuẩn NTM (được công nhận vào năm 2013, 2014), do đó nếu xã Hiệp Lợi đạt chuẩn NTM trong năm 2015 này thì thị xã Ngã Bảy là một trong những đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM trong cả nước. “Hậu Giang sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để hỗ trợ xã Hiệp Lợi sớm hoàn thành 19 tiêu chí NTM trong năm 2015”, ông Nhơn khẳng định. Theo đó, chính quyền thị xã Ngã Bảy và xã Hiệp Lợi đang hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, trồng giống ngô chất lượng cao, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, ông Trương Văn Sáu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, cho biết trong năm 2015, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu có 21 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí trở lên. Để đạt các chỉ tiêu đề ra, theo ông Trương Văn Sáu, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân đồng thuận, trong đó chú trọng công tác vận động nhân dân hiến đất, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện công trình hoàn thành đúng tiến độ. Các địa phương thực hiện xây dựng NTM gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tại địa phương, giúp nông dân nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Đối với các xã đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM trong năm 2015, tỉnh bố trí kinh phí lồng ghép hỗ trợ thực hiện các tiêu chí liên quan đến xây dựng hạ tầng nông thôn. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM có đủ trình độ và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong Nghị quyết 2014 của các cấp ủy, chính quyền địa phương đều đặt chỉ tiêu hoàn thành số xã xây dựng NTM. Qua theo dõi, các tỉnh đều đạt các chỉ tiêu đề ra. Đây là một chương trình mà các địa phương rất quan tâm, vì vừa là chương trình thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, nhưng mặt khác các địa phương cũng thấy thực hiện chương trình này thì người dân nông thôn từ lâu nay đã có nhiều khó khăn sẽ được hưởng các lợi ích từ những công trình mang lại từ giao thông, bệnh viện, trường học, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ trong cuộc sống giữa người dân với người dân rất là tích cực, an ninh trật tự đảm bảo. “Theo tôi được biết, để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp từ huyện lên tỉnh, một trong những phương hướng trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương tiếp tục coi trọng việc xây dựng NTM. Đấy là một chỉ tiêu có thể nói là một “phần cứng” cần phải tập trung”, ông Xuân cho biết.