Đồng bào dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển mới

Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù về công tác dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của cuộc sống đô thị.

Chú thích ảnh
Bà Nông Thị Phong, dân tộc Tày ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng vào chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. 

Các chương trình, chính sách của Thành phố giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, hỗ trợ giáo dục thế hệ trẻ và duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống là những điểm sáng trong nỗ lực hướng tới “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trước thềm Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV (nhiệm kỳ 2024-2029) sẽ diễn ra ngày 5-6/12 tới đây, đồng bào dân tộc thiểu số đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng vào những chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố giúp đồng bào dân tộc thiểu số góp sức mình vào sự phát triển của Thành phố trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Gửi gắm niềm tự hào và kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới, bà Phùng Kim Phụng, Trưởng ban Công tác mặt trận Khu phố 6, dân tộc Hoa, Phường 6, Quận 11 cho rằng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng vẫn là điểm tựa tinh thần vững chắc đối với đồng bào người Hoa. Chính quyền đã đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội của đồng bào người Hoa như cấp bảo hiểm y tế, trao tặng phương tiện sinh kế giúp đồng bào Hoa nghèo vượt khó, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, các chính sách giúp đồng bào Hoa giữ gìn bản sắc dân tộc như hỗ trợ tổ chức lễ, Tết Nguyên tiêu; tạo điều kiện cho việc dạy và học tiếng Hoa; triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng tiếng Hoa và tiếng Việt… Chính vì vậy, đồng bào người Hoa hy vọng, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV sẽ phát huy tinh thần đó, tiếp tục triển khai nhiều chính sách dân tộc đúng đắn, hiệu quả, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc thiểu số và mở ra con đường phát triển mới cho Thành phố.

Bày tỏ sự tâm đắc với những chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Hòa thượng Danh Lung, vị sư người Khmer Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Trụ trì Chùa Candaransi, Quận 3 cho rằng, Thành phố đã có nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc dân tộc như: Tạo điều kiện duy trì, phát triển các nghi lễ tôn giáo truyền thống, các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc, giới thiệu và lưu truyền các món ăn truyền thống…

“Với đồng bào Khmer, hai năm qua, Thành phố đã tổ chức môn thể thao đua ghe Ngo trên kênh Nhiêu Lộc, một môn thể thao mang đậm màu sắc đặc trưng của dân tộc Khmer đã mang lại niềm vui, sự tự hào cho đồng bào Khmer sinh sống tại Thành phố và các địa phương lân cận, giúp đồng bào Khmer cảm nhận trách nhiệm của bản thân trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Khmer với sự đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn Thành phố”- Hòa thượng Danh Lung cho biết.

Bên cạnh chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới sự phát triển bình đẳng của đồng bào dân tộc trong cộng đồng dân cư, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vượt khó, ổn định cuộc sống kinh tế và làm giàu bản thân bằng tri thức.

Từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã triển khai chính sách miễn học phí hoàn toàn từ lớp 1 đến lớp 12; hỗ trợ học nghề và các cấp học trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học cho học sinh dân tộc thiểu số, tạo tác động tích cực cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức xã hội đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường và vượt khó, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, có nhiều thanh niên dân tộc Hoa, Chăm, Khmer đã vượt khó để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.

Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han), dân tộc Chăm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, các chính sách tạo điều kiện hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số là những đóng góp hết sức tích cực, rõ ràng trên thực tế đối với đồng bào dân tộc; giúp tạo ra một nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số chất lượng cao, có tri thức và là tấm gương khuyến khích cho sự phấn đấu của con em đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước và Thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc để nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động của đồng bào dân tộc thiểu số, theo kịp với yêu cầu của thị trường lao động và xu thế phát triển của Thành phố.

Cũng có cái nhìn tích cực về công tác nâng cao tri thức cho đồng bào dân tộc thiểu số của Thành phố, bà Sho Lymah, người dân tộc Chăm tại Phường 17, quận Bình Thạnh, chia sẻ: "Kể từ ngày Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chính sách giảm, hỗ trợ tiền học phí cho hộ nghèo, cận nghèo, con em chúng tôi đều được đến trường và hiện đều đậu đại học hết. Bà con dân tộc nói chung, đồng bào Chăm nói riêng mong muốn Thành phố quan tâm nhiều hơn nữa cho lớp trẻ đồng bào dân tộc, nhất là những người có trình độ thấp để họ có thể tìm được công việc ổn định ở công ty, cơ quan nào đó giúp đảm bảo đời sống và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”.

Tự hào về sự phát triển của đồng bào dân tộc mình trên địa bàn Thành phố, bà Nông Thị Phong, dân tộc Tày, ở Quận 5 cho biết, đồng bào người Tày tại Thành phố xúc động và tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương đã chăm lo, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số lớn mạnh cùng phát triển với Thành phố và đất nước. Những chính sách phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa, phát triển tri thức không chỉ dành riêng cho một dân tộc nào mà áp dụng với đồng bào các dân tộc, thể hiện sự bình đẳng của chính quyền Thành phố tạo được niềm tin, sự đoàn kết giữa đồng bào dân tộc và với nhân dân cùng chung tay, góp sức cho sự phát triển của Thành phố hôm nay và mai sau.

Là đô thị lớn nhất cả nước, đại diện 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, Thành phố Hồ Chí Minh được coi như thành phố đa sắc màu văn hóa các dân tộc. Sự đoàn kết giữa các dân tộc đã góp phần, tạo nên sức mạnh nội tại cho mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố.

Đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng và kỳ vọng, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ là dịp để Thành phố đưa ra những chính sách mới về công tác dân tộc, mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố mang tên Bác.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Cải thiện đời sống, sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số
Cải thiện đời sống, sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2019 đến năm 2024, các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được các cấp, ngành của tỉnh Hậu Giang thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN