Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, theo thống kê về tiền lương, thu nhập tại địa phương, khối giày da có khoảng 200.000 lao động, với tiền lương bình quân là 9 triệu đồng/tháng; ngành dệt may có khoảng 80.000 lao động, với tiền lương là 7 triệu/tháng và bình quân 6,5 triệu đồng/tháng thuộc về ngành chế biến gỗ, với 12.000 lao động.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai khẳng định, sẽ có người đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương, nhưngđa phần đóng BHXH ở mức cơ bản. Tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thấp.
Với mức lương đóng bảo hiểm xã hội không cao, lao động nữ trong ngành dệt may ở độ tuổi 18 - 35, khi thực hiện chế độ thai sản, sẽ nhận mức trợ cấp thấp.
Theo khảo sát, ông Phạm Minh Thành cho biết, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của công nhân khu công nghiệp chiếm 60% thu nhập. Có nhiều lần ông Thành đề xuất khoản này phải chiếm lên đến 80%, song các văn bản của Nhà nước tham gia điều chỉnh ở mức 70%. Các doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội ở mức lương rất cơ bản. "Đóng như vậy, 20 năm, khi người lao động hưởng hưu, thì sẽ hưởng thấp là đương nhiên", ông Thành khẳng định.
Trong khi đó, theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, nhiều trường hợp thu nhập thực tế của công nhân, người lao động cao gấp đôi mức lương được ghi theo hợp đồng lao động.
Báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, trong các nội dung thương lượng tập thể, có thể khẳng định tiền lương là vấn đề khó khăn nhất. Bởi, thỏa thuận về tiền lương ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.
Thực tế, với nội dung tiền lương như thỏa ước hoặc quy chế lương của doanh nghiệp thường thấp hơn lương thực tế của doanh nghiệp trả cho người lao động.
Theo Liên đoàn lao động tỉnh Kiên Giang, nhiều trường hợp người lao động làm việc cho doanh nghiệp trên 10 năm, lương theo hợp đồng lao động chỉ cao hơn lương tối thiểu 50.000 - 200.000 đồng. Song lương thực tế, thu nhập có thể gấp đôi lương tối thiểu. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động, nhất là khi họ mất việc hoặc nghỉ hưu. Khi công nhân mất việc, nếu mức lương làm căn cứ đóng BHXH cao thì người lao động sẽ được hưởng các số tiền trợ cấp cao và ngược lại. Đặc biệt, số tiền hưởng lương hưu sau này cũng phụ thuộc vào việc mức lương làm căn cứ đóng BHXH cao hay thấp. Nếu mức đóng thấp, chắc chắn lương hưu sẽ thấp.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang đánh giá, nhìn chung các bản thỏa ước lao động tập thể đều có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động như: Tiền lương cao hơn lương tối thiểu, thưởng lương tháng 13, thưởng sáng kiến, thưởng lễ, Tết, các khoản phụ cấp xăng xe, điện thoại, giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi, tham quan nghỉ má…
Tuy nhiên, nội dung có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, nâng lương và cải thiện điều kiện làm việc rất ít được ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc có ghi nhưng khó thực hiện.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang lấy ví dụ, trong thỏa ước ghi doanh nghiệp đảm bảo tiền lương, thu nhập người lao động cao hơn lương tối thiểu, doanh nghiệp có thưởng Tết cho người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ; có thưởng chuyên cần, thưởng lễ, tết cho người lao động nhưng không ghi mức thưởng cụ thể hoặc không ghi điều kiện để được thưởng,….