Đồng hành cùng làng nghề

Hoạt động khuyến công luôn là người bạn đồng hành cùng các làng nghề phát triển trên cơ sở khôi phục và phát huy những tinh hoa truyền thống. Chính vì vậy, hoạt động khuyến công đã góp phần chấn hưng làng nghề, giải quyết lao động nông nhàn, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn tại nhiều địa phương.

Tập trung đào tạo nghề

Nhằm khôi phục và phát triển các làng nghề trên địa bàn, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Trung tâm Khuyến công (TTKC) Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề nhằm cung ứng lao động cho các cơ sở sản xuất, làng nghề. Hiện nay, đã có hàng chục lớp đào tạo nghề được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm lao động ở các vùng nông thôn, gồm: 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan theo các mẫu mới làm hàng thủ công mỹ nghệ và lưu niệm của HTX Bao La (Quảng Điền); 4 lớp đào tạo nghề thêu tay truyền thống tại Phú Bài (Hương Thủy), Phú Đa, Vinh Thanh (Phú Vang), Hương Giang (Nam Đông); 3 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ tại làng nghề Hương Hồ (Hương Trà); 6 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ và mộc dân dụng cao cấp phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Ngọc Anh; 2 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng tại DNTN Tân Tiến (Quảng Điền)…

Cùng với việc đào tạo và truyền nghề, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng được TTKC tỉnh đặc biệt quan tâm. Bằng nguồn vốn khuyến công địa phương, TTKC đã hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm.

Nhiều làng nghề đã hồi sinh

Du khách đến tìm hiểu các sản phẩm nghề truyền thống của miền đất Cố đô. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN


Với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ hoạt động khuyến công, nhiều làng nghề trên cả nước như nghề mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam); nghề mộc Phương Độ (Hải Dương); nghề đan đát Vinh Ba, nước mắm Gành Đỏ, phơi sấy cá cơm, bó chổi Mỹ Thành (Phú Yên) đã được hồi sinh… Đặc biệt là tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-HĐND tỉnh về chương trình Khuyến công và phát triển làng nghề Vĩnh Phúc giai đoạn 2006 – 2010, đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đồng thời khôi phục và phát triển được nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống.

Với tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công trong 5 năm qua đạt 18,77 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước là 3,64 tỷ đồng; kinh phí của địa phương 15,13 tỷ đồng, Vĩnh Phúc đã đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 5.100 người tập trung vào các nghề mộc, mây tre đan xuất khẩu, thêu ren, chế tác đá… Nhiều làng nghề cũ bị mai một nay được hồi sinh và phát triển như: Mộc Thanh Lãng, gốm Hương Canh (Bình Xuyên); chế tác đá Hải Lựu (Sông Lô); rèn Lý Nhân, mộc An Tường (Vĩnh Tường), mây tre đan Triệu Đề (Lập Thạch)… Một số làng nghề mới đã và đang được khuyến khích như mây tre đan, ươm tơ, mây xiên. Theo thống kê của TTKC, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20 làng nghề đạt tiêu chuẩn với 4 nghệ nhân và 55 thợ giỏi.

Để các làng nghề truyền thống trên địa bàn phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc vừa quyết định dành 42 tỷ đồng đầu tư cho chương trình khuyến công và phát triển làng nghề. Đây là nguồn vốn lớn nhất từ trước tới nay đầu tư cho chương trình này nhằm giúp ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh phát triển bền vững trong giai đoạn 2011 - 2015. Từ nguồn vốn này, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ dành 12 tỷ đồng tổ chức đào tạo, truyền nghề và phát triển nghề mới đưa về vùng nông thôn miền núi, đặc biệt là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số; dành trên 12,5 tỷ đồng xây dựng mô hình kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh sẽ dành 17,5 tỷ đồng hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh...

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống từ hoạt động khuyến công không chỉ giúp các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế mà còn góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, do hầu hết các ngành truyền thống ở nông thôn nước ta chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô phát triển sản xuất nên chưa đủ sức tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, công tác khuyến công hiện nay chưa được nhiều cơ sở sản xuất phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công mới chỉ tập trung chủ yếu ở công tác dạy nghề. Các hoạt động khác như hỗ trợ tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường… ít được thực hiện.

Theo đó, để phát triển nghề và làng nghề truyền thống, Cục Công nghiệp địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên hàng đầu như: mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các nhà hỗ trợ để cải tiến mẫu mã, cung cấp vốn cũng như thông tin thị trường; đào tạo nâng cao năng lực quản lý kinh doanh của các chủ cơ sở sản xuất, tay nghề thợ thủ công, truyền nghề. Trong đó, chú trọng “cung cấp sản phẩm thị trường cần chứ không nên bán sản phẩm sẵn có”.

Uông Lam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN