Động viên dân giữ cao su

Xã Đoàn Kết là một trong những địa phương có diện tích cao su tiểu điền cao nhất huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) với gần 700 ha.

 

Gia đình ông Vũ Văn Ước, thôn 2, xã Đoàn Kết có 2 ha cao su trồng được 7 năm. Năm 2014 là mùa đầu tiên cây cho khai thác mủ với sản lượng trung bình 50 kg mủ/ha/lần cạo. Do cao su mới cho thu hoạch nên nồng độ mủ thấp, thương lái thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Mỗi tháng gia đình ông Ước thu nhập khoảng 7 triệu đồng từ hai ha cao su. Ông Ước cho biết: “Với mức giá xuống thấp như hiện nay, cả nhà 4 - 5 người như gia đình tôi vẫn sống được. Nếu thời gian tới giá mủ xuống thấp hơn tôi cũng không chặt bỏ cây mà chỉ bỏ phân bón ít đi để giảm chi phí, tiếp tục duy trì vườn cao su”.

 

Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp, nhưng người trồng cao su vẫn tích cực chăm sóc diện tích cao su hiện có. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN


Theo UBND xã Đoàn Kết, tính đến cuối tháng 7 trên địa bàn xã chưa có trường hợp nào chặt bỏ cây cao su. Tuy nhiên, một số hộ dân có diện tích cao su ở khu vực giao thông đi lại khó khăn và phải thuê lao động thì đang tạm ngừng thu hoạch do giá mủ thấp, trong khi công thuê người cạo mủ khá cao. Trong nửa đầu năm 2014, toàn xã Đoàn Kết đã có 70 ha cao su trồng mới. Theo kế hoạch đến năm 2015, diện tích cao su của xã sẽ đạt 750 ha. Đây là diện tích cây trồng kém hiệu quả được chính quyền địa phương xác định chuyển đổi sang trồng cao su.

 

Ông Cao Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết, xã có chủ trương duy trì cây cao su vì xác định đây là cây giảm nghèo chủ lực của địa phương. Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, chính quyền xã khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng bởi cây cao su ngoài khai thác mủ còn có thể thu hoạch gỗ. “Nếu tính theo giá mủ như hiện nay, cao su vẫn là loại cây cho thu nhập ổn định hơn so với sầu riêng và cây điều vốn là cây trồng cho thu nhập chính của người dân trong xã từ nhiều năm qua” - ông Xuân phân tích.


Theo UBND huyện Đạ Tẻh, diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn huyện hiện nay vào khoảng 1.500 ha, trong đó có 300 ha đang thu hoạch. Giá mủ cao su xuống thấp khiến 200 ha trong huyện đã đủ tuổi khai thác nhưng người dân đang tạm dừng thu hoạch. Năm 2014, toàn huyện đã trồng mới 700 ha cao su, tập trung trong khu vực diện tích rừng nghèo kiệt. Theo kế hoạch, đến năm 2020 toàn huyện Đạ Tẻh sẽ phát triển lên 10.000 ha cao su các loại.


Trong quá trình quy hoạch phát triển cây cao su, chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, đặc biệt đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết về đầu ra cho cao su khi diện tích tăng lên, huyện Đạ Tẻh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su ngay tại địa bàn. Hiện nay, đã có Công ty cao su Đạ Tẻh lập dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su với quy mô tiêu thụ 3.000 - 5.000 ha cao su/ngày.


Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, địa phương đã vận động người dân không vội vã chặt bỏ cây cao su. Ngành chức năng cũng phổ biến đến người dân chương trình phát triển cây cao su, bởi cây cao su là cây đa mục đích, có thể khai thác mủ, lấy gỗ và thay thế cây trồng rừng như keo lai nên sẽ đem lại lợi ích kinh tế về lâu dài.

 

Nguyễn Dũng

Trồng cao su là “bài toán”   dài hạn
Trồng cao su là “bài toán” dài hạn

Sự biến động của thị trường cao su thế giới khiến từ đầu năm đến nay, giá cao su trong nước liên tục giảm mạnh. Điều này tác động tới tâm lý của các hộ nông dân trồng cao su trong cả nước, dẫn tới việc có những diện tích cao su bị chặt phá, dư luận lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN