Đốt rơm rạ tạo nên lớp khói, bụi mù mịt, gây hại cho sức khỏe và nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Vài năm gần đây, sau khi thu hoạch lúa, người dân ngoại thành Hà Nội thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí (phát thải khí CO2, CO và NOx…) mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, hạn chế tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu và bất thường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đã có những nghiên cứu trên phạm vi thế giới về tác hại của việc đốt rơm rạ đến chất lượng không khí tại khu vực, đồng thời chỉ ra những giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ. Song, dường như người nông dân vẫn không thể tiếp cận được những kết quả này và vẫn chưa ý thức được khói rơm rạ gây nguy hại đến môi trường, sức khỏe như thế nào.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư.
Không những vậy, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Ở Hà Nội, tình trạng nhà cao tầng quá nhiều so với các địa phương khác đã dẫn tới hiện tượng này. Vì lý do đó, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao do khí thải độc hại từ động cơ và khu công nghiệp không thoát lên cao mà tập trung dưới mặt đất nên dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ…, cùng các quận, huyện, thị xã định kỳ trước và trong thời gian thu hoạch lúa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế đốt rơm rạ, nhất là khu vực giáp đường giao thông, khu dân cư thị trấn, thị tứ để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và các hoạt động trên địa bàn thành phố.
Các địa phương hướng dẫn, khuyến khích các hộ dân thực hiện phương pháp cổ truyền, làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất, vận động bà con cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu, nên có một điểm tập kết rơm rạ thuận tiện để xử lý hoặc ủ làm phân, hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò chống rét mùa đông.
Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm, rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hoặc nguyên liệu của các ngành sản xuất khác; đồng thời nghiên cứu và cung cấp các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thừa sau thu hoạch.