Sau một năm tiến hành tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí các trí thức trẻ có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước cho thấy Dự án đã đạt được thành công bước đầu. Nhìn nhận những ưu, nhược điểm sau một năm triển khai dự án cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp, tiếp thu những đề xuất, đóng góp của các tân Phó Chủ tịch xã để rút kinh nghiệm cho các bước công việc tiếp theo, sáng 4-5-2012, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức đối thoại trực tuyến “Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo – sau một năm nhìn lại”.
* Sự cần thiết xây dựng Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: dangcongsan.vn |
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn xác định cần “xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân; trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, làm tốt công tác quản lý, giáo dục và sử dụng cán bộ sau đào tạo”; đồng thời “tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng được rèn luyện trong thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước”.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã thuộc huyện nghèo còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, cũng như năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; nhiều người không đủ điều kiện để cử đi đào tạo nâng cao trình độ: trình độ phổ thông (từ lớp 5 đến lớp 12) có 36 người, chiếm 6,13%; trình độ sơ cấp và trung cấp có 3 người, chiếm 62,69%; trình độ cao đẳng và đại học có 183 người, chiếm 31,18%. Có 98,82% số xã thuộc các huyện nghèo có nhu cầu sử dụng trí thức trẻ tình nguyện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí những trí thức trẻ, có trình độ đại học về xã công tác để giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Do vậy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo là cần thiết.
Ngày 26-1-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước để làm Phó Chủ tịch UBND xã.
*Sau một năm triển khai Dự án
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Đến nay, 100% các tỉnh đã thực hiện tuyển chọn xong các đội viên Dự án và đã được tham dự các lớp tập huấn. Đã có 224 xã có Phó Chủ tịch xã. Đến tháng 7 này, việc bầu toàn bộ Phó Chủ tịch xã tham gia Dự án sẽ được hoàn tất.
- Kết quả bước đầu: Tuy mới được bố trí về xã trong thời gian từ 1-2 tháng nhưng các Phó Chủ tịch xã đã thể hiện tinh thần xung kích, nhanh chóng hòa nhập vào địa phương, xuống các xóm thôn để tìm hiểu tình hình, tìm ra những điều còn khiếm khuyết của địa phương mình và đề xuất hướng tháo gỡ.
2 tháng là quỹ thời gian thử thách quá ngắn so với nhiệm kỳ 5 năm làm Phó Chủ tịch xã nhưng các tân Phó Chủ tịch xã đã khắc phục những khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại, sự bất đồng ngôn ngữ… kịp thời bắt nhịp với nhiệm vụ được giao. Nhiều Phó Chủ tịch xã đã có những sáng kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ lúa nương sang trồng ngô để cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vận động nhân dân góp công sức xây dựng cầu, hướng dẫn bà con cách ngâm ủ mạ, cách canh tác…
- Những khó khăn: Bên cạnh thực tiễn công việc có nhiều khó khăn thì hiện tại, trí thức trẻ về nhận công tác từ tháng 3 năm 2012 cho đến nay vẫn chưa được cấp lương. Theo quy định, khi nhận nhiệm vụ, các đội viên được hỗ trợ ban đầu 10 tháng lương tối thiểu. Nếu có gia đình đi theo, các đội viên được hưởng thêm 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ. Thứ ba, được trợ cấp thêm hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Các đội viên cũng được thanh toán tiền tàu xe đi về thăm gia đình, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng… Tuy nhiên, do một số khó khăn liên quan đến Luật Ngân sách, hiện tiền lương chi trả cho đội viên vẫn chưa đến được các đội viên. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Ban quản lý dự án sẽ cố gắng trong tháng 5 này chi trả tiền lương cho các em.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, các trí thức trẻ không phải đảng viên cũng là một khó khăn, các em không được dự họp cấp ủy. Như vậy, có nghĩa là triển khai các nghị quyết về các chủ trương, biện pháp của cấp ủy đảng là không thể kịp thời.
- Kiến nghị, đề xuất: Là tỉnh đầu tiên đón nhận các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, việc quan tâm thường xuyên và kèm cặp đội ngũ cán bộ này của dự án cần phải thường xuyên, liên tục và hiệu quả hơn. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm.
Một số ý kiến đề nghị cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, bổ sung kiến thức cho Phó Chủ tịch xã; điều chỉnh, bổ sung tiêu chí phù hợp với chức danh lãnh đạo ở cơ sở, phải ưu tiên đội viên tham gia dự án là đảng viên; sớm bố trí lương và phụ cấp cho các Phó Chủ tịch xã yên tâm công tác…
Những băn khoăn, trăn trở của các tân Phó Chủ tịch xã, những câu hỏi của bạn đọc đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp thỏa đáng. Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định: Trong thời gian thực hiện dự án, nếu đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ít nhất 3 năm hoặc hoàn thành nhiệm vụ trong 5 năm thì được địa phương tiếp tục quy hoạch, bố trí sử dụng nếu đội viên đó có nhu cầu ở lại địa phương công tác, hoặc xét chuyển cho đội viên trở thành công chức và bố trí công việc tại tỉnh. Nếu đội viên không có nhu cầu làm việc tại tỉnh thì đánh giá, nhận xét về quá trình công tác của đội viên và viết giấy giới thiệu về tỉnh khác mà đội viên tới làm việc. Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện và giúp đội viên trưởng thành và cống hiến.
Phương Dung (tổng hợp)