Tại Hội thảo tình hình thiên tai khí tượng thủy văn, khả năng cảnh báo sớm và độ tin cậy dự báo chiều qua (13/1), ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương lý giải điều này.
Không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc. Ảnh: TTXVN. |
Ông Cường cho biết, không khí lạnh là tất các các khối khí từ phía bắc về nước ta. Không khí lạnh bao giờ cũng có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nhiệt đới của Việt Nam và mùa nào cũng có. Có 3 tiêu chí để xác định không khí lạnh gồm: độ ẩm, sự giảm nhiệt độ, hướng gió. Thực tế, các đợt không khí lạnh năm 2016 đều dự báo chính xác. Tuy nhiên, người dân cần hiểu là do các đợt không khí lạnh tràn về đều mạnh nhưng khô nên nhiệt độ giảm sâu vào ban đêm, đến ngày có nắng thì nhiệt độ lại tăng lên nên khó cảm nhận được. Còn như đợt không khí lạnh hiện nay, có kèm theo mưa nên nhiệt độ xuống thấp thì mới có thể cảm nhận rõ rét buốt.
“Còn không khí lạnh thường về muộn hơn so với dự báo bởi khi chúng tôi báo không khí lạnh về vào buổi sáng thì nghĩa là buổi sáng, không khí lạnh sẽ về đến biên giới ở các tỉnh miền núi trung du phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn chứ không tính đến Hà Nội vì Hà Nội thì muộn hơn”, ông Cường cho biết.
Trả lời câu hỏi về năng lực dự báo còn nhiều bất cập, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, công tác dự báo khí tượng đòi hỏi độ chính xác và năng lực cao, tuy nhiên phải có lộ trình.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hệ thống trạm quan trắc hiện rất thưa, trong khi các nước tiên tiến chỉ từ 15-20km thì ở Việt Nam trạm này cách trạm khác từ 50-100km. Do đó, nhiều hiện tượng thời tiết xảy ra giữa 2 trạm quan trắc không quan sát, theo dõi được nên không thể dự báo chính xác.
Cùng với đó, khoa học dự báo đang có những khó khăn, dự báo dài về khí tượng thủy văn càng ngày càng khó, càng dự báo xa sai số càng lớn đối với các loại hình thiên tai.
Năng lực cảnh báo vị trí và hướng di chuyển của bão ở các nước có trình độ khoa học khí tượng phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản vẫn có sai số dự báo bão trung bình trong thời hạn 24 giờ, 48 giờ và 72 giờ, lần lượt ở khoảng 100-120km, 170-190km và 250-280km.
Ở Việt Nam, sai số dự báo vị trí, hướng di chuyển của bão trong các thời hạn trên cũng lần lượt ở khoảng 100-150km, 180-220km, 280-300km.
Ngay cả các nước tiên tiến đều chưa có nhiều tiến bộ trong dự báo cường độ bão, sai số trung bình trong thời hạn 24 giờ, 48 giờ lần lượt là 2-3 cấp bão, dự báo cường độ thời hạn 72 giờ hầu như không có tính tham khảo cao.
“Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ ban hành Quyết định số 90 về Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, trong đó tăng trạm khí tượng, đo mưa, phấn đấu 2030 là 10-15km một trạm. Bên cạnh đó, tăng cường các yếu tố tự động, tăng cường công nghệ dự báo hiện đại hơn cũng như mua siêu máy tính để xử lý thông tin dữ liệu, đồng hóa dữ liệu. Chúng tôi hy vọng các kết quả sẽ tin cậy hơn”, ông Hải cho biết.
Việt Nam hiện chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất, chỉ thực hiện cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng. Ngay cả các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản với các kỹ thuật hiện đại như vệ tinh, rađa thời tiết, hệ thống máy móc đo đạc tự động cũng chỉ đưa ra những cảnh báo lũ quét cho một khu vực chứ không phải cho một vị trí cụ thể nào. |