Ngày 28/11, tại TP. Đà Nẵng, Hội Y tế Công cộng Việt Nam phối hợp với Hội Y tế Công cộng Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Dự phòng nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho người dân sống tại điểm nóng dioxin Đà Nẵng”, với sự tham dự của các sở, ban, ngành thành phố.
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu thành công của chương trình Can thiệp dự phòng phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm được triển khai từ năm 2010, tại 4 phường An Khê, Chính Gián, Hòa Khê và Thanh Khê Tây của quận Thanh Khê. Các hoạt động của chương trình này tập trung vào việc: đào tạo tập huấn, truyền thông, tư vấn tại cộng đồng và vận động chính sách.
Sau gần 1 năm triển khai chương trình, hàng loạt các tài liệu truyền thông đã được xây dựng và sử dụng như tờ rơi, poster, sổ tay tuyên truyền... Các tuyên truyền viên của chương trình đã thực hiện tư vấn trực tiếp và dán tờ tranh thông tin về cách phòng tránh phơi nhiễm với dioxin qua thực phẩm tại khu vực nấu ăn của các hộ gia đình, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp tổ dân phố. Bên cạnh đó, hoạt động vận động chính sách cũng đã được thực hiện nhằm khuyến cáo chính quyền địa phương ban hành các quy định liên quan tới dự phòng phơi nhiễm dioxin trong thực phẩm.
Qua các kết quả khảo sát, hội nghị cũng đánh giá chương trình này đã thành công trong việc giúp người dân sống tại điểm nóng gần sân bay Đà Nẵng nâng cao nhận thức và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng tránh nhiễm độc dioxin qua thực phẩm. Người dân trong khu vực này đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của các loại thực phẩm hàng ngày.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Điều phối viên của Hội Y tế Công cộng: Để tiếp tục duy trì các kết quả của chương trình can thiệp tại Đà Nẵng, sự cam kết của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Việc ban hành và thực thi nghiêm các quy định cấm nuôi trồng, tiêu thụ các thực phẩm nguy cơ cao trên địa bàn sân bay Đà Nẵng và khu vực lân cận thuộc quận Thanh Khê là cần thiết để đảm bảo giảm triệt để nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho người dân sống trên địa bàn.
Đỗ Trưởng